Thứ 7, 30/11/2024 10:32 [(GMT +7)]
Tăng cường quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt
Thứ 5, 12/04/2012 | 09:17:00 [(GMT +7)] A A
Để thực hiện hiệu quả Thông tư 32, thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người sử dụng, người tham gia vận hành các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đẩy mạnh và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các đơn vị để họ thực hiện nghiêm túc việc đăng ký và kiểm định máy móc, thiết bị theo quy định. Có như vậy, Thông tư 32 mới phát huy hiệu quả và góp phần thiết thực vào công tác đảm bảo an toàn lao động trên địa bàn tỉnh.
LSO-Ngày 14/11/2011, Bộ LĐTB&XH đã có Thông tư 32/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Đến nay, sau hơn 3 tháng đi vào thực hiện theo Thông tư, các đơn vị sử dụng lao động cũng như cơ quan quản lý nhà nước cơ bản đã nắm bắt được các nội dung của Thông tư và thực hiện nghiêm túc.
Sử dụng thiết bị sàng lọc đá tại Mỏ đá Sa Khao, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
Trước khi có Thông tư 32, các đơn vị sử dụng vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/2/2008. Theo đó, thông tư hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị và vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đối với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt. Quy trình kiểm định tùy từng loại thiết bị và thời gian sử dụng của thiết bị. Theo Thông tư 32 quy định, tổng danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động gồm có 25 loại.
Theo số liệu thống kê của Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH, từ năm 2008 đến nay có gần 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân có sử dụng thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay đã có khoảng 40 đơn vị ngừng sử dụng thiết bị hoặc chuyển nhượng thiết bị, vì vậy chỉ còn khoảng 60 đơn vị mà cơ quan quản lý nhà nước quản lý được. Song trên thực tế, con số này cao hơn gấp nhiều lần, bởi nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng không đăng ký thiết bị và đăng ký kiểm định với cơ quan chuyên môn. Hiện nay, tổng số máy, thiết bị mà cơ quan chức năng quản lý được là 453 thiết bị, trong đó có 20 nồi hơi, 296 thiết bị áp lực, 10 hệ thống lạnh, 9 thang máy, 8 thang cuốn, 110 thiết bị nâng. Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc thang cuốn hay hệ thống thang máy tại các nhà hàng, khách sạn như Nhà hàng Trung Xuân, Nhà hàng Hoàng Sơn Hải, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Đinh Gia và nhiều cơ quan khác… Song từ khi thực hiện Thông tư 04 và nay là Thông tư 32 đều không thấy các đơn vị này đăng ký với cơ quan chuyên môn về việc đăng ký thiết bị sử dụng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và thực hiện kiểm định theo quy định.
Bà Hoàng Thị Lê, Chuyên viên Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH cho biết: năm 2011, có 12 doanh nghiệp phối hợp với các trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn thực hiện việc kiểm định và đăng ký sử dụng 15 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Trong đó có 8 thiết bị áp lực, 7 thiết bị nâng. Qua hơn 3 năm thực hiện Thông tư 04 và nay được hơn 3 tháng thực hiện theo Thông tư 32, chúng tôi thấy rằng, tình hình quản lý các máy, thiết bị trong thực tế chưa được kiểm soát, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ còn sử dụng các thiết bị chưa được kiểm định, đăng ký theo quy định.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong việc chủ động đăng ký và thực hiện kiểm định theo quy định, hiện nay có một số đơn vị thực hiện tốt như: Công ty cổ phần xi măng Lạng Sơn, Công ty Than Na Dương, Nhiệt điện Na Dương, Công ty cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn… Những đơn vị này sử dụng thiết bị đều có người vận hành cụ thể và thực hiện công tác huấn luyện về an toàn lao động cho người sử dụng thiết bị. Bà Lê cho biết thêm: hơn 3 tháng thực hiện theo Thông tư mới, chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn, nhất là cho công tác quản lý của chúng tôi đối với các đơn vị có sử dụng thiết bị. Bởi theo Thông tư 32, các đơn vị “giảm tải” được việc phải đăng ký qua cơ quan quản lý nhà nước là Sở LĐTB&XH nhưng lại gây ra bất cập là chính vì không đăng ký qua Sở LĐTB&XH, mà trực tiếp là Phòng việc làm – An toàn lao động nên cơ quan quản lý nhà nước không quản lý được các đơn vị có thực hiện đăng ký và kiểm định thiết bị theo định kỳ quy định. Do vậy, không thể kiểm soát được việc vận hành, sử dụng cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động trong các đơn vị.
Để thực hiện hiệu quả Thông tư 32, thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người sử dụng, người tham gia vận hành các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đẩy mạnh và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các đơn vị để họ thực hiện nghiêm túc việc đăng ký và kiểm định máy móc, thiết bị theo quy định. Có như vậy, Thông tư 32 mới phát huy hiệu quả và góp phần thiết thực vào công tác đảm bảo an toàn lao động trên địa bàn tỉnh.
Thái Dương
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()