Tăng cường quản lý các giao dịch nước ngoài qua sàn thương mại điện tử
Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25%, đạt quy mô hơn 20 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng này có thể duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 – 2025. Tuy nhiên, hiện trên các sàn TMĐT, không chỉ có người bán hàng ở trong nước mà còn có không ít gian hàng của người bán ở nước ngoài.
Chị Trần Thị Tuyết Nga (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) thường mua các quần áo, giày dép, nước hoa… hàng ngoại, phải đặt hàng thông qua công ty trung gian. Tuy nhiên, gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn TMĐT quốc tế ở Việt Nam, thì việc mua sắm của chị cũng đã dễ dàng, tiện lợi hơn. Nhiều sàn TMĐT có những ưu đãi có lợi cho người mua hàng như tặng voucher, giảm giá vận chuyển… nên việc mua sắm hàng ngoại với hàng Việt cạnh tranh khá gay gắt. Tuy nhiên, điểm yếu của các shop quốc tế bán trên sàn TMĐT là hàng mua rồi khó đổi trả, một số sàn không hỗ trợ giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Nhiều DN cho rằng, việc quản lý hoạt động TMĐT hiện nay đang còn nhiều khó khăn. Các gian hàng quốc tế bán hàng trên các sàn TMĐT chưa kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng (NTD), mà còn tác động đến sản xuất trong nước…
Thống kê tại Báo cáo TMĐT Việt Nam của Bộ Công Thương năm 2023 cho thấy, có 35% NTD mua hàng trên các website nước ngoài, 43% NTD mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT Việt Nam, 3,9% sàn giao dịch TMĐT có gian hàng của người bán nước ngoài, chiếm 4,7% tổng số gian hàng trên sàn. Đáng chú ý, lượng đơn hàng thành công của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT chiếm 7,8% tổng đơn hàng thành công.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong số đó có không ít vụ vi phạm giao dịch qua TMĐT xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT gặp phải các vướng mắc về thủ tục hải quan, về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, xác định trị giá hải quan… Với thực trạng trên, việc đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT là hết sức cần thiết. Được biết, Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định. Hiện Dự thảo đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành.
Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kỹ thuật số – Bộ Công Thương, việc quản lý TMĐT xuyên biên giới cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý ngành như QLTT, quản lý DN, quản lý thuế… Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định số 98/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD, trong đó bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch TMĐT không thực hiện trách nhiệm với NTD khi có tranh chấp xảy ra giữa NTD và người bán nước ngoài.
Nguồn:https://cand.com.vn/Thi-truong/tang-cuong-quan-ly-cac-giao-dich-nuoc-ngoai-qua-san-thuong-mai-dien-tu-i704665/
Ý kiến ()