Tăng cường quản lý các bệnh không lây nhiễm
- Theo các chuyên gia của ngành y tế, các bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay. Đáng nói, nhiều người không hề biết bản thân mắc bệnh nên dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm có thể phòng tránh được nếu làm tốt công tác kiểm soát, quản lý, phòng ngừa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số người mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong đó, phổ biến nhất là các bệnh như: ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hen, hô hấp mãn tính (phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản)… Theo các chuyên gia về y tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình trạng già hóa dân số. Đặc biệt, nhiều người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, bia, ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, không hoạt động thể lực dẫn đến thừa cân, béo phì, chuyển hóa kém cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bình quân mỗi tháng có khoảng 1.500 người mắc các bệnh về tiểu đường, tăng huyết áp đến khám. Chỉ tính riêng tháng 7/2024, tại bệnh viện có gần 80 bệnh nhân mắc các bệnh: tiểu đường, tăng huyết áp nhập viện điều trị.
Bác sỹ Đỗ Quang Hiếu, Phụ trách Khoa Nội - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tính riêng bệnh tiểu đường, mỗi tháng, khoa tiếp nhận từ gần 50 bệnh nhân điều trị. Đa số các bệnh nhân đều từ 45 tuổi trở lên. Do không được tầm soát bệnh thường xuyên, không phát hiện bệnh từ sớm nên nhiều bệnh nhân đến viện điều trị đã có những biến chứng nặng như: suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, hoại tử ngón chân, bàn chân… Để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường cần duy trì thói quen ăn uống, hoạt động thể chất lành mạnh mỗi ngày; người bệnh cần tái khám thường xuyên ít nhất 4 lần/năm, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ; không hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm…
Thực tế này cho thấy, các bệnh không lây nhiễm không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mà còn mang lại gánh nặng cho chính người bệnh, gia đình người bệnh và cả xã hội.
Bà Vũ Kim Hương (82 tuổi), thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng mắc bệnh tiểu đường đang điều trị tại Khoa Nội - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tôi bị mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Bản thân ăn uống, sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình. Tôi cần người thân chăm sóc, đưa đi thăm khám, điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế. Do đó, tốn nhiều chi phí trong chăm sóc, điều trị bệnh.
Để từng bước quản lý, điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, ngành y tế của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, triển khai sâu rộng trong cộng đồng như: chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện tổ chức khám sàng lọc phát hiện các bệnh không lây nhiễm từ sớm; phối hợp tuyên truyền, nâng cao sức khỏe tại cộng đồng (gồm phòng chống tác hại thuốc lá, rượu, bia; thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực; phòng chống tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính…). Qua đó, nhằm chăm sóc và giúp người dân có nhiều kiến thức để tự phòng bệnh, phòng xảy ra biến chứng và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện đã phối hợp tổ chức được trên 20 lớp tập huấn, truyền thông, tuyên truyền các kiến thức nâng cao năng lực về hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tuyên truyền tác hại của thuốc lá, rượu, bia cho gần 20.000 lượt người, gồm đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ các trạm y tế và người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 190 xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp, đạt gần 94%; gần 160 xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý bệnh tiểu đường, đạt trên 78% số xã, phường, thị trấn. Đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang quản lý trên 22.000 bệnh nhân tăng huyết áp và gần 5.500 bệnh nhân tiểu đường. Qua đây, góp phần chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho bệnh nhân được thuận tiện ngay từ y tế cơ sở đến các bệnh viện tuyến tỉnh.
Với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ tỉnh đến xã, phường để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.
Ý kiến ()