Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Romania
Năm 2016 vừa qua đánh dấu 66 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Romania (3/2/1950 – 3/2/2016). Đây là dịp để ghi nhận những thành tựu đã đạt được, đánh giá tiềm năng hiện tại và thúc đẩy quan hệ song phương vì lợi ích của hai nước.
Nhân dịp xuân mới Đinh Dậu 2017, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Valeriu Arteni, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Romania tại Việt Nam, về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Phóng viên: Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam – Romania và quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm vừa qua?
Đại sứ Valeriu Arteni:Trong lịch sử 98 năm của quốc gia Romania độc lập và thống nhất thì 67 năm đã qua kể từ khi Romania thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 3/2/1950. Về thực chất, từ lâu nay, quan hệ giữa hai nước chúng ta là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bền vững. Romania nằm trong số những quốc gia đầu tiên giúp Việt Nam xây dựng lại nền kinh tế và đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược như: Công nghiệp dầu khí, vật liệu xây dựng, nông nghiệp, thủy lợi, đường sắt, thăm dò địa chất, vận tải, khai thác khoáng sản…
Đặc biệt, giáo dục luôn là lĩnh vực hợp tác thế mạnh của hai nước. Gần 4.000 người Việt Nam đã học tập và tốt nghiệp tại Romania trong 6 thập kỷ qua. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực đào tạo được ký tháng 7/2016 giữa hai Bộ Giáo dục Romania và Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2019, Chính phủ Romania đã tăng gấp đôi số học bổng toàn phần dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, từ 10 lên 20 suất học bổng. Ngoài ra, còn có các học bổng do Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế, Thương mại Romania cấp. Đồng thời, qua chương trình học bổng Eugene Ionesco của Chính phủ Romania trong khuôn khổ của Tổ chức Đại học Quốc tế Pháp ngữ (AUF), các chuyên gia Việt Nam tham gia các khóa đào tạo sau đại học và sau Tiến sỹ bằng tiếng Pháp tại Romania. Các chuyên gia Việt Nam còn được đào tạo ở Romania qua chương trình Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu (EU).
Quan hệ hợp tác toàn diện và hữu nghị truyền thống giữa hai nước chúng ta đang phát triển tốt đẹp và năm 2016 đạt đỉnh cao mới với nhiều dấu ấn có ý nghĩa, dựa vào những tích lũy về chất và những sáng kiến thiết thực. Có thể kể đến chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Romania tháng 7/2016 với những cuộc gặp có ý nghĩa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm thúc đẩy và định hướng lâu dài mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước; Kỳ họp lần thứ XV của Ủy ban Liên chính phủ về Hợp tác Kinh tế và Khoa học kỹ thuật, tháng 6/2016, được tổ chức tại Hà Nội; Hai Diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội và một Diễn đàn doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp này;… Ở cấp địa phương, đáng chú ý là cuộc gặp trao đổi kinh nghiệm giữa tỉnh Tulcea và tỉnh Bến Tre trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác ASEM Danube – Mê-kông của ASEM,… Hợp tác giữa các địa phương được tăng cường, với triển vọng thêm nhiều tỉnh kết nghĩa, là những động lực mới cho sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại hàng đầu và là cánh cửa của Romania vào ASEAN. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và năm 2016 lần đầu tiên vượt qua 200 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2016, mặc dù vẫn chưa tương xứng tiềm năng của hai nền kinh tế đang phát triển năng động và khung cảnh thuận lợi của sự hợp tác EU – Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác truyền thống được duy trì và mở rộng. Xuất khẩu lao động và du lịch là hai lĩnh vực mới đang dần khởi sắc. Về phương diện tổ chức, Đại sứ quán đã có thêm một Tham tán Công sứ từ cuối năm 2015, phụ trách vấn đề lãnh sự, và tháng 11/2016, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế thương mại sang Hà Nội làm việc, mở cửa lại Văn phòng Xúc tiến Thương mại của Bộ Kinh tế, Thương mại, đáp ứng lòng mong mỏi của giới doanh nghiệp Việt Nam và Romania và của cộng đồng đông đảo những người đã từng học tập và làm việc tại Romania.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và toàn diện giữa Romania và Việt Nam đang bổ sung một cách thực chất cho quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Cũng như vậy, việc Romania là thành viên của EU và sự hợp tác hiệu quả giữa EU và Việt Nam, FTA giữa Việt Nam và EU, góp phần củng cố hợp tác truyền thống giữa Romania và Việt Nam.
Phóng viên: Đại sứ cho biết về một số chương trình mà Romania sẽ triển khai trong trong thời gian tới tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước?
Đại sứ Valeriu Arteni:Tiếp theo cuộc sang thăm chính thức của Thủ tướng Romania, hội nghị lần thứ XV của Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật và những cuộc sang thăm và cuộc gặp làm việc ở tất cả các cấp, với những văn kiện quan trọng đã được ký kết, năm nay, hai bên bắt tay thực hiện hóa các thỏa thuận nhằm vào một mặt trận rộng lớn bao gồm thúc đẩy hợp tác các trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Trong bối cảnh hiện nay, thế giới có nhiều thách thức, toàn cầu có nhiều biến đổi. Năm 2017, hai nước cần phát huy tối đa sức mạnh của sự hợp tác truyền thống, tăng cường thực hiện trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, luôn thăm dò và thời sự hóa thông tin về tiềm năng của nhau, tăng cường hiểu biết lẫn nhau bằng việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu các doanh nghiệp của hai nước sang tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác, hỗ trợ nhau trong các diễn đàn quốc tế… Hai bên cần thúc đẩy hoạt động của các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương sẵn có, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, v.v… Ở đây, tôi cũng muốn đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội Hữu nghị Việt Nam –Romania, trong đó đại đa số là những người tốt nghiệp ở Romania, có kiến thức sâu rộng về Romania, và vai trò của cộng đồng người Việt tại Romania và cộng đồng người Romania tại Việt Nam.
Hai nước chúng ta phải tận dụng các cơ hội mới về hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác EU – Việt Nam như Hiệp định về đối tác toàn diện (PCA), Hiệp định về mậu dịch tự do (FTA), v.v… Việc đó đòi hỏi các chuyên gia của hai bên đặc biệt nghiên cứu kỹ những thuận lợi và thời cơ do FTA tạo ra.
Phóng viên: Đại sứ ấn tượng nhất về điều gì của Việt Nam trong năm qua ?
Đại sứ Valeriu Arteni:Năm 2016, Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng, trong đó đặc biệt là: Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 –2021, với việc bầu ra các nhà lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Những sự kiện này đã tập trung sự chú ý của nhân dân trong nước và bè bạn quốc tế khắp năm châu.
Việt Nam đã thông qua một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu trở thành nước công nghiệp mới và củng cố vị trí là một nước có mức thu nhập trung bình. Đây cũng là một bước thể hiện sự thích ứng của Việt Nam đối với các thay đổi của quốc tế và khu vực. Năm qua, Việt Nam tiến những bước vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển, và có những bước tiến vượt bậc đáng ngưỡng mộ.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn “Đổi mới của đổi mới” với nhiều chương trình táo bạo nhằm tăng cường cải cách theo chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa v.v., ngăn chặn tình trạng tham nhũng, củng cố lòng tin của người dân, cải thiện mô hình phát triển kinh tế… Về nhân sự, ngoài việc trẻ hóa và chuyên môn hóa lãnh đạo ở tất cả các cấp, vai trò của người phụ nữ trong xã hội và trong công tác nhà nước đặc biệt được đề cao, phù hợp với chính sách bình đẳng giới, với cấu trúc dân số Việt Nam hiện nay và xu thế của thời đại. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một cán bộ nữ đã được bầu, giữ một trong 4 vị trí chủ chốt của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, là một quyết định được dư luận trong nước và quốc tế hoan nghênh.
Phóng viên: Là Đại sứ của một nước đối tác với Việt Nam, ông nhận xét thế nào về đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay?
Đại sứ Valeriu Arteni:Năm qua, Việt Nam đã khẳng định là một trong những quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững ở châu Á và hết sức chủ động, tích cực trong hoạt động tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2016, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong điều kiện quốc tế và khí hậu không thuận lợi, và đã tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, củng cố vị thế trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu. Việt Nam đã mở rộng tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế thương mại với các nước, các tổ chức quốc tế. Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Năm 2016, Việt Nam đã giữ thế chủ động trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, và tích cực tham gia hình thành các khu vực mậu dịch tự do. Trong quan hệ với EU, năm qua, Quốc hội các nước thành viên đã kết thúc quá trình thông qua Hiệp định về đối tác và hợp tác (PCA) với Việt Nam và FTA. Việt Nam để lại dấu ấn của mình trong đời sống chính trị quốc tế qua việc tổ chức hội nghị ASEM về phát triển xanh, với Romania là đồng sáng kiến và nhiều hội nghị khu vực và đang chuẩn bị hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, mà công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ năm 2016.
Năm 2016, Ngoại giao Việt Nam đã nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm cho thế giới hiểu biết nhiều hơn về tình hình mọi mặt, về cải cách và công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam, cũng như về các giá trị văn hóa của mình. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – đó cũng là một thắng lợi quan trọng của nền ngoại giao văn hóa của Việt Nam.
Các nước cũng đáp lại thái độ cởi mở và thiện chí của Việt Nam, sẵn sàng là bạn, là đối tác của Việt Nam.
Phóng viên: Là một nhà ngoại giao nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, Đại sứ cảm nhận thế nào về Tết cổ truyền của Việt Nam? Đại sứ ấn tượng nhất về điều gì khi đón Tết ở đất nước chúng tôi, thưa ông?
Đại sứ Valeriu Arteni:Tết là những gì thân thương nhất mà tôi cảm nhận ở Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đón Tết ở Việt Nam trong những thời điểm lịch sử khác nhau, dù xa quê hương nhưng lại vô cùng ấm áp bên các bạn Việt Nam. Tôi cũng như khách nước ngoài khác ở lại ăn Tết Việt Nam, hòa nhập và được hưởng niềm vui của Tết, đi chợ hoa, thăm bạn bè… Cách đây hai năm, tôi đã được mời tham gia chương trình Ăn Tết Việt của Đài Truyền hình Việt Nam và năm ngoái cùng các vị Đại sứ các nước EU đã có một sáng kiến đặc biệt chúc Tết các bạn Việt Nam xem trên internet. Không khí lúc xuân về Tết đến thật đặc biệt, thiêng liêng. Ai cũng hối hả chuẩn bị Tết, rồi thật hân hoan lúc giao thừa, đón mừng năm mới.
Giống như Tết Dương lịch của người Romania, với từng gia đình, Tết nguyên đán là đoàn tụ, là sum họp, là niềm vui của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Ở Việt Nam, đó cũng là dịp bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, ông bà, như ngày Lễ phục sinh ở Romania. Truyền thống này thật là quý báu mà nhịp sống hiện đại ở nhiều nước đã làm mai một, biến thành một sự kiện mang tính chất thương mại, quảng cáo, buôn bán. Tết đến, mọi lo toan thường nhật đã lùi lại, thay vào đó là nét mặt vui tươi, phấn khởi và những lời chúc ý nghĩa. Ở Việt Nam cũng như ở Romania, dường như mọi thứ đều dành cho Tết và Tết là hy vọng, là khởi đầu của tất cả những gì tốt đẹp nhất.
Nhân dịp năm mới 2017 và Tết Đinh Dậu, tôi xin chúc Việt Nam ngày càng phát triển, an khang và thịnh vượng, nhân dân Việt Nam hạnh phúc. Tôi xin chúc mối quan hệ hữu nghị truyền thống và toàn diện giữa Romania và Việt Nam ngày càng bền vững, thắm thiết và phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo dangcongsan
Ý kiến ()