Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa việt nam với xin-ga-po và Ma-lai-xi-a
Nhận lời mời của Tổng thống Xin-ga-po Tô-ni Tan Keng Giam và Quốc vương Ma-lai-xi-a Toan-ku Mi-gian Giai-na Bi-la Sa, hôm nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a.Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi được QH tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Chuyến thăm này khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a trên bình diện song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.Xin-ga-po nằm ở cực nam bán đảo Mã Lai, diện tích 692,7 km2, dân số hơn 4,8 triệu người. Sau khi tách khỏi LB Ma-lai-xi-a trở thành một quốc gia độc lập năm 1965, Xin-ga-po đã từ một nước hầu như không có tài nguyên trở thành một quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới, với cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và...
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi được QH tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Chuyến thăm này khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a trên bình diện song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Xin-ga-po nằm ở cực nam bán đảo Mã Lai, diện tích 692,7 km2, dân số hơn 4,8 triệu người. Sau khi tách khỏi LB Ma-lai-xi-a trở thành một quốc gia độc lập năm 1965, Xin-ga-po đã từ một nước hầu như không có tài nguyên trở thành một quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới, với cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi; là nước hàng đầu thế giới về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn; là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Xin-ga-po cũng đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 sẽ biến quốc đảo này thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu với một nền kinh tế đa dạng. Năm 2010, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Xin-ga-po đạt 291,9 tỷ USD. Xin-ga-po ưu tiên cho việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Đông – Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước vì lợi ích chung và duy trì một nền kinh tế mở.
Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Xin-ga-po tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Năm 2004, hai bên đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21”, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Xin-ga-po luôn là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Xin-ga-po tại Việt Nam đạt kết quả tốt, trong đó bốn Khu công nghiệp Việt Nam – Xin-ga-po (VSIP 1, 2, 3, 4) tại các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng đều hoạt động hiệu quả. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục trong những năm gần đây, đạt 5,8 tỷ USD năm 2009 và 6,2 tỷ USD năm 2010. Tính đến nay, Xin-ga-po có 938 dự án đầu tư vào nước ta với tổng vốn 23,2 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai nước triển khai hiệu quả Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Xin-ga-po ký tháng 12-2005 trên sáu lĩnh vực hợp tác, gồm tài chính, đầu tư, thương mại – dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin và giáo dục – đào tạo; nhất trí xem xét khả năng mở rộng sang các lĩnh vực khác. Hiện có khoảng 9.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Xin-ga-po. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, y tế, du lịch… đều được tăng cường. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Xin-ga-po lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ tập trung kiểm điểm và định hướng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Ma-lai-xi-a với khoảng 25,9 triệu dân, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu sau khi giành được độc lập năm 1957, đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động ở khu vực Đông – Nam Á. Ma-lai-xi-a là nước xuất khẩu dầu cọ và cao-su hàng đầu thế giới, các ngành chế tạo, xây dựng và dịch vụ đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế đất nước. Thời gian qua, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã có nhiều biện pháp vực dậy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu để khắc phục những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu. GDP của Ma-lai-xi-a đạt 414,4 tỷ USD trong năm 2010. Thực hiện chính sách đối ngoại nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị bền vững với các nước Đông – Nam Á, Ma-lai-xi-a mong muốn thiết lập môi trường ổn định và hòa bình trong khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ Nam – Nam.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a tiếp tục phát triển. Những năm gần đây, hai nước duy trì đều các chuyến thăm cấp cao, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng sâu rộng, hiệu quả và tin cậy. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước có những bước phát triển tích cực. Ma-lai-xi-a là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều hằng năm. Ma-lai-xi-a đứng thứ năm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 7-2011, Ma-lai-xi-a có 386 dự án với tổng vốn đăng ký 18,78 tỷ USD đầu tư vào nước ta. Hiện có khoảng 70.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ma-lai-xi-a. Hai nước tiếp tục thực hiện Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 ký năm 2004, tạo điều kiện thuận lợi tăng cường quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư song phương. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Ma-lai-xi-a lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ trao đổi phương hướng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN.
Chúc chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tới Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a thành công tốt đẹp, góp phần tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a, đáp ứng mong muốn và lợi ích chung của nhân dân ba nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông – Nam Á và trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()