Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch He-le Tho-ninh Xmít thăm chính thức nước ta. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu của Thủ tướng Đan Mạch kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.Vương quốc Đan Mạch nằm trên bán đảo Xcan-đi-na-vơ thuộc Bắc Âu, có diện tích hơn 43.000 km2, với dân số 5,55 triệu người. Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có các ngành kinh tế thế mạnh như vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi-măng, dược phẩm, thủy sản, hàng tiêu dùng... Tuy nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng Đan Mạch được đánh giá là một trong mười nền kinh tế hiệu quả, với mức thu nhập bình quân đầu người cao (40.200 USD/người/năm). Nhờ chính sách kích thích kinh tế và tăng xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt ở châu Âu, từ cuối năm 2010, kinh tế Đan Mạch từng bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008. Tháng 9-2011, Chính phủ Đan Mạch đã tung...
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch He-le Tho-ninh Xmít thăm chính thức nước ta. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu của Thủ tướng Đan Mạch kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.
Vương quốc Đan Mạch nằm trên bán đảo Xcan-đi-na-vơ thuộc Bắc Âu, có diện tích hơn 43.000 km2, với dân số 5,55 triệu người. Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có các ngành kinh tế thế mạnh như vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi-măng, dược phẩm, thủy sản, hàng tiêu dùng… Tuy nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng Đan Mạch được đánh giá là một trong mười nền kinh tế hiệu quả, với mức thu nhập bình quân đầu người cao (40.200 USD/người/năm). Nhờ chính sách kích thích kinh tế và tăng xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt ở châu Âu, từ cuối năm 2010, kinh tế Đan Mạch từng bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới năm 2008.
Tháng 9-2011, Chính phủ Đan Mạch đã tung gói kích thích kinh tế trị giá hơn ba tỷ USD, tăng cường đầu tư công, đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tạo việc làm và giảm thâm hụt ngân sách.
Đan Mạch thực hiện chính sách tăng cường hợp tác nội khối Bắc Âu, đẩy mạnh quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU), trong bối cảnh nước này vừa đảm nhiệm thành công chức Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng đầu năm 2012. Đan Mạch tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải, bảo vệ dân thường tại các điểm nóng về xung đột, coi trọng các biện pháp ngoại giao hòa bình. Đan Mạch có quan hệ ngoại giao với hơn 100 nước, là thành viên của nhiều tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực. Đan Mạch coi trọng quan hệ hợp tác với châu Á, coi đây là trung tâm kinh tế mới của thế giới, trong đó quan tâm đặc biệt các thị trường mới nổi như Việt Nam và In-đô-nê-xi-a. Đan Mạch là một trong những nước đi đầu trong viện trợ phát triển, dành gần 1% GDP cho lĩnh vực này. Tháng 8-2012, Đan Mạch công bố Ngân sách hợp tác phát triển giai đoạn 2013-2017, trong đó ưu tiên bốn lĩnh vực chiến lược, gồm quyền con người và dân chủ, tăng trưởng xanh, tiến bộ xã hội, ổn định và bảo trợ xã hội.
Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đan Mạch ngày càng phát triển tích cực. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên. Hai nước luôn luôn phối hợp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25-11-1971) và có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Đan Mạch là nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện là một trong những nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho nước ta. Kể từ năm 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ Việt Nam hơn một tỷ USD vốn ODA. Năm 2012, Đan Mạch cam kết viện trợ Việt Nam 54,3 triệu USD. Viện trợ phát triển của Đan Mạch tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, tài chính ngân hàng… Trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, Đan Mạch là nước viện trợ lớn nhất cho nước ta, với 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Việt Nam hiện là nước duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu. Năm 2011, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch, hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh. Việt Nam và Đan Mạch cũng hợp tác về giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch và ký nhiều hiệp định hợp tác quan trọng.
Đan Mạch là một trong những nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam; tính đến tháng 8-2012, có 101 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 625 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 96 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Các dự án của Đan Mạch tập trung vào các lĩnh vực vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản… Kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng, đạt 311 triệu USD năm 2010, 421 triệu USD năm 2011 và gần 288 triệu USD trong bảy tháng đầu năm 2012. Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch các sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, cà-phê, thiết bị điện, thủ công mỹ nghệ… và nhập khẩu của Đan Mạch thiết bị điện, hóa chất, sản phẩm cơ khí, nguyên liệu thô…
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đan Mạch He-le Tho-ninh Xmít nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đan Mạch He-le Tho-ninh Xmít thành công tốt đẹp, nâng cao quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đan Mạch, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()