Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Ai-len
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Tổng thống Ai-len (Ireland) Mai-cơn D. Hích-gin (Michael D. Higgins) và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-14/11/2016.
Ai-len (Ireland) là quốc đảo, dân số 4,595 triệu người, diện tích 70.282 km2 nằm trong biển Bắc Băng Dương, ở cực Tây – Bắc Châu Âu, phía đông giáp biển nằm giữa Ai-len và nước Anh, phía Tây giáp Bắc Băng Dương.
Chính sách đối ngoại truyền thống của Ai-len tập trung thúc đẩy quan hệ với Anh, EU, Mỹ và chú trọng tranh thủ nguồn lực của cộng đồng người gốc Ai-len trên thế giới. Ai-len theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình và hợp tác hữu nghị với các nước theo luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền lợi quốc gia trên cơ sở tôn trọng luật pháp, gìn giữ giá trị dân chủ tự do và tôn trọng nhân quyền.
Tháng 01/2015, Ai-len đã ra chính sách đối ngoại mới (lần đầu tiên sau gần 20 năm), trong đó ưu tiên hội nhập sâu hơn nữa vào EU; tiếp tục tăng cường quan hệ với Anh và Mỹ; chú trọng tranh thủ nguồn lực của cộng đồng người gốc Ai-len trên thế giới; tích cực tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, gìn giữ hòa bình, giải trừ quân bị và phát triển bền vững.
Chính sách đối ngoại mới của Ai-len đưa ngoại giao kinh tế trở thành một trụ cột quan trọng, chủ trương mở rộng quan hệ thương mại – đầu tư với các thị trường tiềm năng trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, nhóm BRICS, các nước ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Ai-len như giáo dục – đào tạo, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm, thực phẩm, đồ uống…
Từ tháng 11/1993, nhân chuyến thăm Việt Nam của Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ai-len Tom Kitt, Việt Nam đã nêu vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Ai-len John Bruton gặp nhau tại ASEM-2 (Bangkok) đã thảo luận về hợp tác đầu tư hai nước và khả năng lập quan hệ ngoại giao. Ngày 05/4/1996, quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ giữa hai nước được thiết lập. Đại sứ quán Ai-len tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam đến năm 2005. Tháng 11/2005, Ai-len mở Đại sứ quán tại Hà Nội do Đại biện lâm thời đứng đầu. Tháng 02/2007, Đại sứ Ai-len đầu tiên Brendon Lions trình Quốc thư lên Chủ tịch nước. Năm 2016 là năm hai nước kỷ niệm 20 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao. Hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao và phối hợp tại tại các diễn đàn quốc tế.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 402 triệu USD (tăng 28% so với 2014), riêng 9 tháng đầu năm 2016 đạt 798 triệu USD (gấp 3 lần so với cùng kỳ 2015), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ai-len đạt 82 triệu USD, nhập khẩu từ Ai-len đạt 716 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ai-len gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, dệt may. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược phẩm, máy vi tính và linh kiện điện tử…
Hiện nay, Ai-len có 17 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 20,7 triệu USD, đứng thứ 67/115 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Một số công ty Ai-len có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 1990. Có mặt sớm nhất là EBS International của ngành điện lực Ai-len, tham gia tư vấn cho các dự án tuốc-bin khí hỗn hợp tại Bà Rịa – Vũng Tàu (vốn của WB), nhà máy Phú Mỹ 2 (giai đoạn 1 bằng vốn Ai-len, giai đoạn 2 bằng vốn WB); trường đào tạo tại Công ty điện lực 2 (miền Nam – vốn WB); dự án Nâng cao năng lực thể chế và tổ chức ngành điện Việt Nam (vốn WB và 50.000 USD tài trợ của Chính phủ Ai-len). Tổng số vốn các dự án nói trên khoảng 5 triệu USD.
Việt Nam hiện là quốc gia châu Á duy nhất trong số 09 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ai-len. Cơ quan Viện trợ Phát triển của Ai-len được thành lập trong Đại sứ quán Ai-len tại Hà Nội và phụ trách cả quan hệ với Lào và Cam-pu-chia. Chính phủ Ai-len đã thông qua hai Chiến lược quốc gia Ai-len – Việt Nam (CSP) giai đoạn 2007 – 2010 và giai đoạn 2011 – 2015.
Ngân sách dành cho các chương trình/dự án hợp tác trong giai đoạn 2007 – 2010 là 85,5 triệu Euro (120 triệu USD) dành cho các chương trình hợp tác phát triển sau: Đồng tài trợ với WB trong chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC); Chương trình 135 giai đoạn II; Hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ; Phát triển khu vực tư nhân Mekong (MPDF) theo sáng kiến của Công ty Tài chính Quốc tế IFC; Hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và phát triển khu vực tư nhân (Celtic Tiger); Tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử; Triển khai sáng kiến “Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam; Hỗ trợ các chương trình, dự án thực hiện tại các địa phương. Để cụ thể hóa các chương trình hợp tác và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác phát triển của Ai-len tại Việt Nam, hai Bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nhân chuyến thăm chính thức Ai-len của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3/2008).
Tháng 11/2011, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Ai-len, phía Ai-len đã công bố Chiến lược Quốc gia về Hợp tác phát triển Việt Nam – Ai-len giai đoạn 2011 – 2015 với tổng trị giá 55 triệu Euro. Mục tiêu tổng quát là nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2015 của Chính phủ Việt Nam thông qua hai kết quả chính: Giảm nghèo trong các nhóm dễ bị tổn thương; Tăng trưởng kinh tế hòa nhập hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc. Ba mục tiêu cụ thể là: Nâng cao khả năng của cấp cơ sở trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh các nguồn đầu tư công nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm yếu thế nhất; Tăng cường việc hoạch định và thực hiện chính sách ở cấp trung ương trong giải quyết vấn đề nghèo và giảm thiệt thòi; Tăng cường năng lực của các cơ quan Chính phủ, cơ quan nghiên cứu và khu vực tư nhân trong quản lý kinh tế. Chính phủ Ai-len sắp công bố Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020.
Hợp tác giáo dục – đào tạo giữa Việt Nam và Ai-len gần đây dựa trên Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ai-len ký ngày 28/11/2011. Thời gian gần đây, các cơ sở giáo dục đào tạo hai nước tích cực kết nối hợp tác. Trong những năm qua, Ai-len đã cung cấp khoảng 185 suất học bổng cho Việt Nam thông qua hai chương trình: Chương trình học bổng toàn phần Irish Aid (IDEAS 1) được triển khai từ 2009, dành cho các ngành thạc sỹ về quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế, marketing, quản lý dự án, kinh doanh quốc tế, khoảng 22 – 25 người/năm. Chương trình mở cho cả khu vực công và tư, nguồn tuyển sinh dồi dào, chất lượng tốt. Chương trình học bổng kỹ thuật Irish Aid (IDEAS 2) triển khai từ 2013, chủ yếu dành cho các ngành thạc sỹ về kỹ thuật như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật, dược, ngôn ngữ ứng dụng, từ 2016 thêm khoa học xã hội. Đối tượng là ứng viên công tác trong khu vực công và các cơ sở giáo dục đại học. Số lượng trúng tuyển mới chỉ là 3-5 người/năm.
Quan hệ quốc phòng giữa hai nước còn ở mức hạn chế, hai bên chưa trao đổi Tùy viên Quốc phòng. Tháng 4/2009, đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thăm và làm việc tại Ai-len, mở ra hướng hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, hợp tác xử lý hậu quả chất độc da cam, tìm kiếm cứu nạn.
Hai bên đã ký “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ai-len về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp” vào ngày 03/11/2014. Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với Đại diện Đại học Cork (UCC) về hợp tác đào tạo, trao đổi chuyên gia và sinh viên. Ngày 5/9/2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Andrew Doyle, Bộ trưởng Lương thực, Lâm nghiệp và Cây trồng Cộng hòa Ai-len về việc thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam đề xuất 04 lĩnh vực thúc đẩy hợp tác với Ai-len thời gian tới bao gồm: Đào tạo quản lý nền nông nghiệp hiện đại; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống quản lý thực phẩm nông sản an toàn; truy xuất nguồn gốc và xúc tiến đẩy mạnh đầu tư phát triển hợp tác về chăn nuôi bò.
Giai đoạn trước tháng 9/2012: Trong 05 năm thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi được ký kết ngày 23/9/2003, hai bên đã giải quyết được 629 hồ sơ của công dân Ai-len xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Hiệp định chấm dứt ngày 01/5/2009 theo đề nghị của phía Ai-len. Tháng 9/2012, trong chuyến thăm Ai-len của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về các thủ tục hành chính áp dụng trong việc giải quyết hồ sơ con nuôi giữa Việt Nam và Ai-len trong khuôn khổ Công ước La Haye về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Hiện chỉ có 01 Tổ chức nuôi con nuôi của Ai-len được cấp phép hoạt động ở Việt Nam là Tổ chức Helping Hands. Đến nay đã có hơn 60 hồ sơ xin con nuôi của công dân Ai-len được giải quyết. Cộng đồng người Việt Nam tại Ai-len có khoảng 4.000 người, hòa nhập tốt với sở tại và có thái độ tích cực đối với tình hình trong nước.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mai-cơn D. Hích-gin nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục – đào tạo./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()