Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam-Lào-Campuchia
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đánh giá việc triển khai hiệu quả cơ chế Hội nghị cấp cao sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước, ba Quốc hội ngày càng đi vào thực chất.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào và Uỷ ban Đối ngoại, hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông của Quốc hội Campuchia đã tổ chức Hội nghị tham vấn giữa ba cơ quan vào ngày 18/10, tại tỉnh Lào Cai.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseuth; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông Quốc hội Campuchia Sous Yara đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng thành viên các Ủy ban của Quốc hội Lào và Campuchia.
Hội nghị là hoạt động hợp tác đầu tiên giữa ba Ủy ban Đối ngoại của ba Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam để chuẩn bị cho Hội nghị cấp Chủ tịch Quốc hội giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) dự kiến được tổ chức trong năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, mục đích chính của Hội nghị là để cụ thể hoá chủ trương đã được lãnh đạo Quốc hội ba nước thống nhất, hoàn thiện bản dự thảo Quy trình thủ tục tổ chức Hội nghị cấp Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam; trao đổi về các công việc cần thiết chuẩn bị cho Hội nghị cấp Chủ tịch Quốc hội đầu tiên giữa ba nước và các vấn đề khác cùng quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đánh giá cao sự hợp tác, hiệu quả, chặt chẽ của ba Ủy ban; bày tỏ tin tưởng việc tổ chức thành công Hội nghị cấp Chủ tịch Quốc hội ba nước và triển khai hiệu quả cơ chế Hội nghị cấp cao này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước, ba Quốc hội ngày càng đi vào thực chất, chặt chẽ và sâu sắc hơn vì lợi ích của nhân dân Campuchia-Lào-Việt Nam, vì hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh trong khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth cho rằng Hội nghị tham vấn ba Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ba nước, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa ba dân tộc Campuchia-Lào-Việt Nam; đồng thời thúc đẩy giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển của Campuchia-Lào-Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về vai trò và nhiệm vụ lập pháp của các quốc gia.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Quy trình thủ tục tổ chức Hội nghị cấp Chủ tịch Quốc hội Campuchia-Lào-Việt Nam để trình Lãnh đạo Quốc hội ba nước thông qua bao gồm các vấn đề về trình tự Thủ tục xác định tên, cơ chế và các nguyên tắc của Hội nghị cấp Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam với mục tiêu nhằm tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết bền vững và hợp tác tốt đẹp giữa ba nước, chú trọng phát triển kinh tế-xã hội vì sự thịnh vượng của các quốc gia; thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận, kế hoạch hành động và các dự án hợp tác đã được Chính phủ ba nước phê duyệt; tăng cường việc trao đổi và phổ biến thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về vai trò và nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội ba nước; huy động vốn và phân bổ ngân sách từ các đối tác trong và ngoài khu vực Campuchia-Lào-Việt Nam để thực hiện các chương trình và dự án trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Nhóm soạn thảo do Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Lê Thu Hà làm Trưởng Nhóm, báo cáo kết quả thảo luận về dự thảo Quy trình thủ tục, trình Hội nghị xem xét.
Kết thúc Hội nghị, ba Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Quy trình thủ tục và chuẩn bị thật tốt Hội nghị lần đầu tiên giữa ba Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội ba nước đồng chủ trì; bảo đảm nội dung thiết thực, hiệu quả, sát trọng tâm các nội dung hợp tác giữa ba nước, ba Quốc hội, sớm trình các Chủ tịch Quốc hội phê chuẩn./.
Ý kiến ()