Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ
Trong những năm gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2014 là một năm ghi dấu ấn đậm nét trong mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam với một loạt các chuyến thăm và trao đổi cấp cao giữa hai nước.
Nhân dịp Tết Ất Mùi 2015, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Preeti Saran – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian vừa qua.
Phóng viên (PV): Trong hơn 40 năm qua kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1972), mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đại sứ đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và hai nước trong những năm gần đây?
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran |
Đại sứ Preeti Saran: Như các bạn biết, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống lâu đời. Mối quan hệ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng; các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Cho đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn tiếp tục được xây dựng, bồi đắp và ngày càng phát triển bền chặt bởi các nhà lãnh đạo, thế hệ trẻ và người dân hai nước.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được nâng lên tầm cao mới, trở thành Đối tác chiến lược, đặc biệt năm 2012 chúng ta đã kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Năm 2014 là một năm đáng nhớ trong mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam với một loạt các chuyến thăm và trao đổi cấp cao giữa hai nước. Ngay sau khi chính phủ mới của Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5/2014, vào tháng 8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã sang thăm Việt Nam và ngay sau đó, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2014. Tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ. Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động trao đổi đoàn cấp cao khác như chuyến thăm thiện chí của Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, tàu hải quân và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ… Những chuyến trao đổi đoàn cấp cao đã cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước đồng thời đây cũng là minh chứng rõ nét cho thấy Chính phủ mới của Ấn Độ hiện nay cũng tỏ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Cũng trong năm 2015 này, chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi Chính sách hướng Đông sang một bước mới đó là chính sách Hành động hướng Đông. Mục tiêu của kế hoạch này hiện thực hóa những quyết định, trao đổi thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết qua các chuyến thăm cấp cao. Bởi vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng, mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển trong thời gian tới.
PV: Được biết, hợp tác thương mại – kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Ấn Độ phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong năm nay và lên 15 tỷ USD trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, hai nước phải làm gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Preeti Saran: Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam trong năm 2014 đạt hơn 8 tỷ USD, vượt mốc 7 tỷ USD mà hai nước đã đề ra. Với kết quả trên, hai nước phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu song phương lên 10 tỷ USD vào năm nay và 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ vào tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thống nhất coi hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ đối tác song phương. Bởi vậy, hai nước chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian tới.
Phải nói rằng, Việt Nam và Ấn Độ còn có nhiều tiềm năng để khai thác, hợp tác cùng nhau như may mặc, nông nghiệp, chế biến nông sản… Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực may mặc, Ấn Độ cũng là một thị trường rất lớn trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng mong muốn có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của Ấn Độ và đối tác Việt Nam để chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp của Ấn Độ cũng thực sự quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam và ngược lại, chúng tôi cũng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại Ấn Độ. Ngoài ra, chúng tôi còn có thế mạnh trong việc khai thác dầu khí và sản xuất các chế phẩm của dầu khí.
Giáo dục cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ấn Độ đã cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập nghiên cứu. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại Ấn Độ.
Bên cạnh đó, một lĩnh vực khác mà tôi cũng nhận thấy một tiềm năng vô cùng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam, đó là du lịch. Việt Nam có những địa điểm du lịch hấp dẫn như Hạ Long, Đà Nẵng, Huế và Sapa, có thể thu hút rất nhiều khách du lịch Ấn Độ. Chúng tôi đang cố gắng để định vị Việt Nam là một điểm đến trong bản đồ du lịch của du khách Ấn Độ. Ngược lại, ở Ấn Độ có rất nhiều điểm tham quan du lịch liên quan đến Phật giáo thu hút được nhiều khách du lịch Việt Nam. Nếu xây dựng được chương trình, kế hoạch hợp tác, chúng ta có thể đạt được bước nhảy vọt trong lĩnh vực tiềm năng này.
Ấn Độ là một nền kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Á, còn Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực ASEAN. Việt Nam và Ấn Độ đã có quan hệ hợp tác rất tốt đẹp từ nhiều năm nay, nhất là quan hệ song phương chính trị. Về mặt kinh tế, trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, hay chính xác hơn là chính sách Hướng Đông tăng cường, Việt Nam đóng vai trò đối tác quan trọng. Chắc chắn cơ hội phát triển kinh tế giữa hai nước còn rất rộng mở. Đây cũng là điều mà chúng tôi rất ủng hộ.
PV: Việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 có tác động như thế nào đối với mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – thương mại?
Đại sứ Preeti Saran: Tăng cường quan hệ với ASEAN là trọng tâm chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ được ban hành năm 1991. Trong những năm gần đây, mối quan hệ ASEAN và Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng. Việc ASEAN và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược và hai bên thông qua Tuyên bố Tầm nhìn vào năm 2012 đã đánh dấu một lộ trình phát triển quan trọng, hướng tới mối quan hệ đối tác bền vững vì hòa bình và thịnh vượng. Hiện, Ấn Độ đã hoàn tất thủ tục ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) về dịch vụ và đầu tư với ASEAN và đang chờ các nước thành viên ASEAN hoàn tất tiến trình này.
Theo tôi, để nâng cao quan hệ Đối tác chiến lược không chỉ với Việt Nam nói riêng cũng như với tất cả các nước ASEAN nói chung thì quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại cũng sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2015 là năm rất quan trọng vì Việt Nam sẽ là quốc gia điều phối mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Bởi vậy, với nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ trên mọi lĩnh vực.
PV: Theo Đại sứ, trong thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ cần có những biện pháp gì để tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước?
Đại sứ Preeti Saran: Như chúng ta đã biết, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ khăng khít chặt chẽ không chỉ về chính trị mà còn trên các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, kinh tế – thương mại, giáo dục – đào tạo đặc biệt là hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn quốc tế. Đây là cũng chính là lĩnh vực, là những cơ hội để chúng ta hướng tới nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
PV: Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động ngoại giao cấp Nhà nước, các tổ chức hữu nghị nhân dân Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân. Vậy Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của các hoạt động này trong việc tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước?
Đại sứ Preeti Saran: Có thể nói, trong những năm qua, các tổ chức hữu nghị nhân dân Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều hình thức và nội dung phong phú và đa dạng, góp phần giúp nhân dân hai nước hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của mỗi nước.
Một lần nữa tôi xin nhắc lại, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru và các thế hệ lãnh đạo tiền bối đặt nền móng và dày công vun đắp. Trong bối cảnh hiện nay, thế hệ trẻ luôn là trung tâm của sự phát triển, là hạt nhân quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển cũng như có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển các mối quan hệ, hợp tác. Chính vì vậy, những hoạt động đối ngoại nhân dân do các tổ chức hữu nghị nhân dân Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp tổ chức sẽ là cầu nối giúp thế hệ trẻ hai nước nói riêng cũng như nhân dân hai nước gần nhau hơn.
Theo tôi, trong thời gian tới, để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Ấn Độ – Việt Nam, các tổ chức nhân dân hai nước cần tăng cường thực hiện trao đổi đoàn, tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, giới thiệu các doanh nghiệp của hai nước sang tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh… Những hoạt động này sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ấn Độ – Việt Nam.
PV: Đại sứ có thể chia sẻ một số cảm nhận của mình về Tết cổ truyền của Việt Nam? Sự giống và khác nhau giữa Tết cổ truyền Việt Nam và Ấn Độ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi |
Đại sứ Preeti Saran: Đối với các lễ hội truyền thống của Việt Nam và Ấn Độ tôi nhận thấy có rất nhiều nét tương đồng. Ở Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo khác nhau cũng như nhiều mảng văn hóa khác nhau. Với dân số hơn 1,2 tỷ người, Ấn Độ có tất cả các tín ngưỡng tôn giáo và có hơn 30 ngôn ngữ khác nhau. Bởi vậy, ở Ấn Độ có rất nhiều lễ hội truyền thống và được tổ chức theo các phong tục, nghi thức tôn giáo khác nhau.
Tôi nhận thấy, các lễ hội truyền thống ở Việt Nam và Ấn Độ có một điểm đặc biệt tương đồng là giá trị quan trọng của gia đình được đặt lên hàng đầu. Lễ hội là dịp chúng ta bày tỏ sự tôn kính, trân trọng đối với người già, bày tỏ sự tưởng nhớ đối với những người đã khuất. Đây là điều đặc biệt là nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống của Ấn Độ và Việt Nam.
Tết cổ truyền Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Tết Việt Nam vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, là dịp để gặp gỡ, hội tụ, chúc Tết những người thân, họ hàng trong gia đình. Đây là một trong một phong tục, tập quán, một nét văn hóa rất Việt Nam. Đây là lần thứ 2 tôi được đón Tết cổ truyền của Việt Nam nhưng cảm giác háo hức vẫn còn vẹn nguyên. Tôi thích nhất sự ồn ào náo nhiệt trong những ngày giáp Tết, đó là thời gian người dân Việt Nam đi mua sắm, chuẩn bị đón Tết. Tôi cũng thường hòa vào dòng người đi xem chợ hoa Tết… Cảm giác đó thật tuyệt vời và có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian tôi làm việc tại Việt Nam.
Thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến lãnh đạo, cán bộ phóng viên, biên tập viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Tết Cổ truyền Ất Mùi 2015.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()