Tăng cường phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản số 2425/BVHTTDL-TVgửi các Sở VHTTDL, VHTT, VHTTTTDL về việc tăng cường hoạt động phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng.
Ảnh minh họa |
Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009 đã quy định quyền được hưởng của người cao tuổi đối với một số hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, trong đó người cao tuổi được “cung cấp thông tin, tài liệu, người hướng dẫn để người cao tuổi tham gia học tập, nghiên cứu”. Sau hơn 10 năm thực hiện, các chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi được các cấp, ngành và xã hội quan tâm, triển khai có hiệu quả.
Trong lĩnh vực thư viện, các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt Luật Thư viện – có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã cụ thể hóa chính sách của Nhà nước, quy định của Luật Người cao tuổi. Theo đó, người cao tuổi không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin miễn phí khi có yêu cầu phù hợp với điều kiện cụ thể của thư viện (khoản 2 và khoản 5 Điều 44 Luật Thư viện).
Trong thời gian qua, tại nhiều địa phương, các thư viện, phòng đọc cơ sở, tủ sách do người cao tuổi thành lập và vận hành đã hoạt động hiệu quả, trở thành điểm đến của người dân và thiếu nhi tại cơ sở, góp phần hỗ trợ người dân được tiếp cận thông tin, thực hiện học tập suốt đời.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Người cao tuổi và một số quy định của Luật Thư viện đối với người cao tuổi, Bộ VHTTDL đề nghị các Sở VHTTDL, VHTTTTDL, VHTT các thành phố chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng các cấp tăng cường và nâng cao chất lượng công tác phục vụ người cao tuổi; tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc đối với người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định hiện hành.
Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận, sử dụng và khai thác tài nguyên thông tin thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí. Tùy vào điều kiện thực tế, các thư viện triển khai bổ sung, tổ chức tài nguyên thông tin, xây dựng các bộ sưu tập, sản phẩm chuyên đề hướng đến người cao tuổi; bố trí không gian, phòng đọc, tiện ích thư viện phù hợp với người cao tuổi…
Bên cạnh đó, đa dạng hóa phương thức phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người cao tuổi. Triển khai nghiên cứu nhu cầu của người cao tuổi để có phương thức phục vụ phù hợp; tổ chức, hướng dẫn người cao tuổi sử dụng hiệu quả tiện ích thư viện, công nghệ hiện đại trong việc tìm kiếm và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin thư viện; tổ chức luân chuyển tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện, tăng cường phục vụ lưu động tới các trại dưỡng lão, viện dưỡng lão hoặc nơi có nhiều người cao tuổi sinh sống; tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng phù hợp với hoạt động của thư viện.
Ngoài ra, phối hợp, hướng dẫn để người cao tuổi tham gia quản lý và vận hành các phòng đọc, tủ sách cơ sở, tổ chức thư viện cộng đồng phục vụ người dân trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế chính sách hỗ trợ (hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, tổ chức, quản lý thư viện; luân chuyển và tặng tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện…) cho các thư viện do người cao tuổi thành lập, quản lý trên địa bàn.
Ý kiến ()