Tăng cường phòng học cho giáo dục: Hiệu quả của đầu tư và tiến độ
Thúc đẩy tiến độ xây dựng
Cuối học kỳ I, năm học 2015-2016, các hạng mục chính gồm 12 phòng học, phòng làm việc của ban giám hiệu, giáo viên… của phân trường THPT Ba Sơn (thuộc Trường THPT Cao Lộc) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, nhân dân và gần 400 học sinh cấp THPT trong khu vực và góp phần giảm tải, tạo điều kiện cho trường chính giữ và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia. Trước đó, Trường THPT Tân Thành (Hữu Lũng) cũng đã hoàn thành, đón nhận trên 480 học sinh cụm xã về học.
Để hoàn thành các phòng học, ngành và nhà thầu đã có sự hợp tác chặt chẽ trong khắc phục khó khăn về địa hình, mặt bằng thi công và nhất là vốn để đẩy nhanh tiến độ. Điển hình là phân trường THPT Ba Sơn, sau nhiều lần điều chỉnh, công trình có tổng vốn đầu tư lên đến 64,8 tỷ đồng, được xây dựng bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu, song do nguồn vốn này bị cắt, nên phải kéo dài tới 4 năm và nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng Đô Thành phải ứng tới 70% vốn xây dựng cơ bản.
Nhờ có sự linh hoạt trong giải quyết vốn thi công nên phân trường THPT Ba Sơn (Cao Lộc) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng
Các trường được đáp ứng đủ về vốn thì có tiến độ nhanh như một số hạng mục của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bình Gia, Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) đã vượt tiến độ, kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới và đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Chương trình xây dựng 107 phòng học mầm non để thực hiện kế hoạch 105 của UBND tỉnh về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 cũng đã được bàn giao, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho các huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất trong phổ cập giáo dục mầm non. Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: những công trình này đều đạt và vượt tiến độ với chất lượng tốt. Một số công trình kéo dài tiến độ là do vướng mắc về vốn. Trong tình thế ấy, chủ đầu tư phải có giải pháp cùng nhà thầu giải quyết về vốn mới có thể duy trì và đẩy nhanh tiến độ.
“Cú hích” từ chương trình nông thôn mới
Năm 2014 và 2015 là những năm khó khăn về vốn xây dựng cơ bản của ngành GD&ĐT, sự vào cuộc của nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp ngành tháo gỡ được “điểm thắt” này. Đồng chí Nguyễn Kim Thoa, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho rằng: nếu không có nguồn vốn chương trình nông thôn mới thì Trường THCS xã Tân Văn chưa thể đạt chuẩn quốc gia; các trường như mầm non, THCS xã Tô Hiệu không thể có vốn để xây dựng, cải tạo và mở rộng.
Cũng như vậy, các trường như: Tiểu học xã Xuân Mãn (Lộc Bình), trường Tiểu học, THCS xã Tân Thành (Hữu Lũng), trường THCS xã Gia Cát (Cao Lộc), trường THCS I xã Đại Đồng (Tràng Định), các trường của xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) được xây dựng bằng vốn chương trình nông thôn mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của ngành GD&ĐT trong việc hoàn thành tiêu chí trường học của chương trình nông thôn mới cũng có tác dụng “hút” các nguồn vốn khác vào trường học. Điển hình như các công trình của Trường THCS xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng), Trường Tiểu học 2 xã Vạn Linh (Chi Lăng)… được xây dựng bằng nguồn vốn của tỉnh; nhiều trường được hoàn thành và đạt chuẩn bằng nguồn vốn của huyện, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và đóng góp của người dân.
Bằng nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, huy động các nguồn vốn để kiên cố hóa trường lớp học, đến cuối học kỳ I năm học 2015-2016, toàn ngành đã có 7.970 phòng học, trong đó có 4.722 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 59,2%, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm học trước và còn 1.179 phòng học tạm; số trường học đạt chuẩn quốc gia là 144 trường, tăng 14 trường so với đầu năm học.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()