Tăng cường phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em
LSO-Lạng Sơn có địa hình phức tạp, nhiều ao, hồ, sông suối, đường sá đi lại khó khăn, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao nên nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ em trên địa bàn cũng nhiều hơn so với những địa phương khác. Do đó, công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh nhằm giúp trẻ em thấy được nguy cơ và cách phòng tránh.
Thiếu nhi học bơi và kỹ năng an toàn trên sông nước |
Ông Hà Văn Ất, Trưởng phòng Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: trong năm 2013, toàn tỉnh có 132 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 9 cháu tử vong. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 91 em bị tai nạn thương tích. Trong 10 trường hợp tử vong có đến 8 trẻ bị đuối nước. Từ đó có thể thấy, thời gian gần đây tai nạn thương tích ở trẻ em không giảm mà có chiều hướng gia tăng, nhất là tai nạn do ngã, tai nạn giao thông, đuối nước. Chính vì vậy, ngay trong buổi lễ khai mạc hè 2014, đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn thanh niên tích cực vào cuộc tổ chức các lớp tập huấn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa số trẻ bị tai nạn thương tích.
Qua tìm hiểu được biết, tại các vùng nông thôn trẻ thường chơi tự do ngoài sông suối, vườn đồi thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn. Cùng với đó, các em đều đang trong giai đoạn phát triển rất hiếu động, tò mò nên thường leo trèo, đùa nghịch, tắm sông suối, trong khi lại không có kỹ năng tối thiểu để xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Khi bị tai nạn hầu hết đều không biết cách sơ, cấp cứu hay thông báo ngay cho người lớn để kịp thời xử lý, do vậy khi được phát hiện thì hậu quả đã nghiêm trọng. Cũng phải nói thêm rằng, nhận thức của các bậc phụ huynh về công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn hạn chế, chưa có sự chủ động trong việc nhắc nhở, hướng dẫn con em cách phòng tránh. Trước thực tế này đòi hỏi công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ phải được tăng cường hơn.
Tại các thôn bản, khu dân cư, tuy không có điều kiện để cho các em thực hành kỹ năng sơ cấp cứu, học bơi nhưng công tác tuyên truyền, hướng cho các em tự bảo vệ mình cũng đã thường xuyên được thực hiện. Bên cạnh nội dung ôn tập những kiến thức văn hóa đã học, học hát, múa thì phòng chống tai nạn thương tích là một trong những nội dung chính trong các buổi sinh hoạt hè. Các cấp bộ đoàn đã phổ biến kỹ năng qua đường an toàn, lưu thông trên sông nước, nhận biết động vật cắn, một số thao tác sơ cứu đơn giản. Cùng với đó, việc tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em cũng được tích cực triển khai. Hàng tuần các cơ sở đoàn tại các khu dân cư đều tổ chức từ 2 – 3 buổi sinh hoạt hè với các hoạt động phong phú như hướng dẫn các trò chơi tập thể, dân gian, các bài hát, điệu dân vũ. Nhờ đó, các em có thể tự tổ chức các hoạt động tập thể nên không vui chơi ở những nơi nguy hiểm. Cùng với đó, các em thường xuyên được nhắc nhở không chơi đùa trên đường, sông suối, nhắc nhở về những trường hợp dễ gặp tai nạn để các em chủ động phòng tránh. Dịp hè là thời điểm các em được nghỉ học, tại các vùng nông thôn hầu hết đều tự do vui chơi mà không có sự quản lý của gia đình. Chính vì vậy, các cấp bộ đoàn cũng đã nhắc nhở thanh niên, phụ huynh tại các khu dân cư quan tâm, hướng dẫn các em vui chơi tại những nơi an toàn.
Là trung tâm vui chơi của thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, Cung thiếu nhi Lạng Sơn đã phối hợp đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Trong năm đã tổ chức được 3 lớp phòng chống tai nạn thương tích và trải nghiệm kỹ năng sống cho 150 em. Đối tượng không chỉ là thiếu nhi trên địa bàn thành phố mà còn mở rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã triển khai kế hoạch đến 100% đoàn cơ sở, khu dân cư để phụ huynh có thể đăng ký cho con em theo học. Với các em vùng sâu, vùng xa, Cung thiếu nhi đã tạo điều kiện cho các em ăn, ngủ, học tập ngay tại trụ sở. Để giảm bớt kinh phí cho phụ huynh, khuyến khích các em theo học, 50% kinh phí được UBND tỉnh hỗ trợ, do đó, đã thu hút được đông đảo thiếu nhi đăng ký tham gia. Trong 5 ngày tham gia lớp học các em được học cách nhận biết, phòng chống những tai nạn thường xảy như đuối nước, tai nạn, động vật cắn; phương pháp và thực hành sơ cấp cứu đối với từng trường hợp cụ thể; học bơi, học võ, Luật giao thông đường bộ…
Em Chu Quốc Huy, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng cho biết: tham gia lớp phòng chống tai nạn thương tích em mới biết những trò chơi trước đây của mình như leo trèo, nghịch nước ở sông suối nguy hiểm như thế nào. Em cũng được học cách phòng tránh và sơ cấp cứu khi gặp tai nạn. Từ đó, có thể tự bảo vệ bản thân cũng như nhắc nhở, giúp đỡ các bạn khi cần thiết. Kiến thức phòng chống tai nạn thương tích không chỉ được phổ biến tại các lớp học chuyên đề mà còn được coi là một trong những nội dung quan trọng của lớp học kỳ quân đội. Bên cạnh trải nghiệm cuộc sống trong quân ngũ, các em thiếu nhi còn được rèn luyện khả năng nhận biết nguy hiểm khi hành quân băng rừng, phòng tránh động vật cắn, học bơi… Chỉ tính riêng trong mùa hè 2014, đã có 450 em được học tập chuyên đề, hàng nghìn em được tuyên truyền nhắc nhở thông qua các buổi sinh hoạt hè.
Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã rất nỗ lực trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em để phòng, tránh tai nạn thương tích. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng nếu chỉ có các ngành chức năng thì chưa đủ mà cần hơn cả là sự vào cuộc từ chính gia đình các em. Việc thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, giám sát, hướng dẫn của người lớn mới thực sự tạo được môi trường an toàn cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu thế giới xung quanh.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()