Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời điểm giao mùa
– Hiện đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm hiện nay đang đặc biệt được quan tâm.
Anh Dương Công Toan, thôn Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi có trên 5.000 con gà thịt và 1.600 con gà đẻ trứng, trước diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia đình tôi chủ động vệ sinh chuồng trại thường xuyên, trang bị trên 40 quạt gió và lắp đặt hệ thống làm mát phun sương nhỏ giọt để hạ nhiệt khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Đồng thời, tôi luôn cung cấp đủ dưỡng chất, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia cầm; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia cầm theo quy định.
Thú y viên phun khử trùng tại thôn Bản Thí, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn
Không chỉ gia đình anh Toan, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn cho biết: Thời tiết chuyển mùa tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Đơn cử như cuối tháng 3/2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (TLCP) tại thôn Hợp Nhất, xã Đồng Ý làm chết 5 con lợn tại 2 hộ với tổng trọng lượng phải tiêu hủy 250 kg. Trung tâm đã nhanh chóng khoanh vùng, bao vây và xử lý ổ dịch theo quy định. Đến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh thêm ổ bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền, phát tài liệu tới người dân về công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi.
Không chỉ huyện Bắc Sơn, hiện cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố và người dân đều quan tâm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Hiện toàn tỉnh có trên 67,8 nghìn con trâu; 28 nghìn con bò; 179,6 nghìn con lợn; 4,4 triệu con gia cầm. Trong 3 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển ổn định, tuy nhiên, cuối tháng 3/2023, xuất hiện ổ bệnh dịch TLCP tại huyện Bắc Sơn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Nhằm nhanh chóng khống chế ổ bệnh dịch TLCP, không để phát sinh ổ bệnh mới, chi cục đã chủ động cấp phát 3.100 lít thuốc tới các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố để phun tiêu độc, khử trùng. Thời điểm này, ngay cả đối với các huyện chưa xuất hiện ổ bệnh, các cơ quan chuyên môn đã chủ động kiểm soát, nắm địa bàn, nhất là ở những khu vực trước kia đã xuất hiện ổ bệnh. Cùng đó, cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp và lực lượng thú y viên cơ sở thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt hoạt động ra vào khu vực chuồng trại, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi.
Hiện nay, công tác kiểm soát, kiểm dịch thú y đã được phân nhiệm cụ thể cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm dịch thú y tại các chợ. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn đã kiểm dịch và tiêm phòng tại các chợ được 2.000 con lợn, 25.747 con gia cầm…; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được 373 con trâu bò, 16.112 con lợn, 24.580 con gia cầm…; kiểm soát lưu thông động vật, sản phẩm động vật thông qua Trạm kiểm dịch động vật được 185 chuyến… Tính đến thời điểm hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp được 72 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất ra khỏi địa bàn tỉnh. Dự kiến trong tháng 4/2023, đoàn thanh tra của chi cục sẽ kiểm tra một số cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn các huyện như: Chi Lăng, Hữu Lũng…
Bên cạnh đó, chi cục còn chủ động cấp phát trên 14.000 liều vắc xin để phục vụ công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Trong quý I/2023, toàn tỉnh tiêm phòng bệnh trên trâu, bò được 6.392 lượt con; lợn 14.113 lượt con; gia cầm 265.551 con… Hiện nay các huyện, thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm phòng các loại vắc xin theo kế hoạch; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm những ổ bệnh phát sinh để kịp thời phòng, chống, không để lây lan ra diện rộng.
Thực tế cho thấy, để việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt được hiệu quả cao nhất người chăn nuôi cần chủ động thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; tuyệt đối không bán chạy vật nuôi mắc bệnh, không vứt xác động vật ra môi trường… Qua đó, góp phần bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn chăn nuôi, phát triển theo hướng bền vững.
Ý kiến ()