Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho các tỉnh miền núi phía bắc
Ngày 5-10, tại Tuyên Quang, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng tác tỉnh miền núi phía bắc. Tham dự có lãnh đạo UBND và ngành y tế các tỉnh trong khu vực gồm: Yên Bái, Nghệ An, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Báo cáo tại hội nghị, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm gần đây, nhất là từ đầu năm đến nay, tại một số tỉnh trong khu vực như: Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La đã xuất hiện các ổ dịch: Ho gà, tiêu chảy, uốn ván sơ sinh, tay chân miệng, liên cầu lợn, dại, viêm não vi rút… Riêng Sơn La, trong ba năm qua, đều ghi nhận các trường hợp mắc và chết uốn ván sơ sinh, đây là bệnh đã được Việt Nam công bố khống chế nhưng nay lại quay lại tại một số tỉnh vùng khó khăn.
Tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận tới ba ổ dịch: viêm não do coxackie, lỵ trực khuẩn, ho gà.
Nguyên nhân chính là các dịch bệnh gia tăng là do: vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà ở kém; phong tục tập quán lạc hậu.Trong khi đó, người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, khi bệnh nặng mới đi khám.
Dịch bệnh thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế, đi lại khó khăn; năng lực cán bộ y tế hạn chế, ít kinh nghiệm trong giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đáp ứng chậm khi có dịch xảy ra…
Đặc biệt, vẫn còn vùng lõm về tiêm chủng (tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh thấp, không đủ tạo miễn dịch cộng đồng). Thống kê cho thấy, hiện tỷ lệ tiêm chủng chủng các vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của các tỉnh miền núi phía bắc đều đạt thấp. Đây là nguy cơ bùng phát một số bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh.
Nhằm chủ động trong phòng chống các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, phối hợp chặt chẽ ngành y tế trong việc phòng chống dịch bệnh, cung cấp dịch vụ y tế. Phối hợp quân dân y, bộ đội biên phòng để tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, tiêm chủng tại các vùng khó khăn, đặc biệt tại các khu vực biên giới, thiếu cán bộ y tế.
Các các cơ quan thú y và các đơn vị liên quan triển khai phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều người dân tộc sinh sống để phát hiện sớm dịch bệnh. Riêng các địa phương có biên giới với Trung Quốc, Lào tăng cường giám sát tại cửa khẩu, cư dân biên giới. Rà soát năng lực đáp ứng chống dịch của các tuyến, duy trì đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động ở các tuyến, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu cán bộ y tế thì tuyến trên cử cán bộ tăng cường hỗ trợ tuyến dưới, phối hợp quân dân y; cử cán bộ tuyến tỉnh, huyện tăng cường tới các vùng khó khăn, khu vực có ổ dịch.
Thời gian tới, các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Y tế sẽ tổ chức các lớp đào tạo và đào lại cho cán bộ y tế tuyến tỉnh về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh truyền nhiễm bao gồm cả các bệnh có vắc-xin phòng bệnh. Ưu tiên tổ chức tập huấn cho các tỉnh về các bệnh có số mắc cao cũng như các bệnh dự phòng được bằng vắc-xin.
Đại diện các tỉnh miền núi phía bắc cho rằng, cần có các chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ tiêm chủng, vì có những trường hợp phải đi đến gia đình 5, 6 lần mới tiêm được cho một trẻ hoặc một phụ nữ mang thai. Mặt khác, số lượng cán bộ tại mỗi trạm ít, trong khi địa bàn rộng, đi lại khó khăn nên nhiều người sau một thời gian làm việc đã bỏ, hoặc chuyển công tác khác.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc hiện đang tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ là phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh như: sởi, viêm não vi-rút, ho gà… Có nhiều nguyên nhân là gia tăng các nguy cơ, đó là khu vực khó khăn; giáp ranh các nước nên việc giao lưu đi lại giữ các nước thuận tiện hơn; ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa cao…
Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ. Tập trung cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch. Đồng thời nâng cao năng lực cho y tế cơ sở để chủ động giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh trên địa bàn…
Nhân dịp này, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã trao tài trợ cho Chương trình sữa học đường của các tỉnh miền núi phía bắc. Giá trị các sản phẩm sữa mỗi tỉnh nhận được là 1 tỷ đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()