Tăng cường phòng chống bệnh dại
– Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện tại, thời tiết đang vào hè, trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao nguy cơ phát sinh, lây lan rất cao. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường các giải pháp để phòng, chống bệnh dại, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Những ngày tháng 6/2021, có mặt tại phòng tiêm vắc – xin dại chó, mèo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, chúng tôi thấy rất đông người dân đến tiêm phòng, trong đó đa số là trẻ em.
Bước ra từ phòng tiêm với nỗi lo lắng cho đứa con trai của mình, chị Đinh Thị Yên, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Đầu tháng 6/2021, gia đình tôi có một cháu nhỏ 7 tuổi trong lúc đi chơi thì bị chó cắn. Ngay khi sự việc xảy ra, tôi đã đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện để xử lý vết thương. Sau đó, theo hướng dẫn của y, bác sĩ ở trung tâm, tôi đưa cháu đến Trung tâm KSBT tỉnh để tiêm phòng. Hiện tại, tôi vẫn rất lo lắng và thường xuyên nhắc nhở con cẩn thận khi ra ngoài đường.
Người dân tiêm phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Con trai của chị Yên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị chó cắn đến tiêm phòng dại tại Trung tâm KSBT tỉnh. Chỉ tính riêng tại Phòng tiêm vắc-xin dại chó mèo, Trung tâm KSBT tỉnh, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 891 người đến tiêm. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 792 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại; phát hiện 17/19 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại tại các huyện như: Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng,…
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh cho biết: Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng hằng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Do vậy, chúng tôi đã có văn bản gửi trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai tiêm vắc xin phòng dại. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tác hại nghiêm trọng của bệnh dại, cách phòng, chống qua hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe của trung tâm…
Bên cạnh việc triển khai tiêm phòng đối với người bị chó cắn thì việc phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo cũng được cơ quan chuyện môn của tỉnh quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 130.000 con chó, mèo. Chó mèo thường được nuôi theo đàn và thả rông nhiều tại các vùng nông thôn nên nguy cơ người dân bị chó mèo cắn rất cao, nhất là trong thời điểm này khi một số huyện đã phát hiện bệnh dại trên chó.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngay từ đầu năm, chi cục đã tham mưu cho sở ban hành các văn bản triển khai xây dựng cơ sở an toàn bệnh dại ở chó, mèo; tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và xây dựng các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chi cục đã cấp 30.000 liều vắc-xin phòng dại cho các huyện, thành phố để triển khai tiêm phòng. Từ đầu năm 2021 đến nay, các huyện, thành phố (8/11 đơn vị) đã triển khai tiêm phòng được 15.529 lượt con chó, đạt 51,7% kế hoạch.
Để phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký nuôi chó với UBND phường, xã, chấp hành nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình; thực hiện xích nhốt, đeo rọ mõm cho chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó dại tấn công đồng thời người nuôi cần thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn chó, mèo của gia đình.
Ý kiến ()