Tăng cường phối hợp xử lý sai phạm bảo vệ quyền lợi người hưởng bảo hiểm
Ngày 4/8, tại Thừa Thiên Huế, Bảo Hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (2012-2017) thực hiện quy chế phối hợp giữa hai đơn vị và ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2017-2022.
Báo cáo sơ kết tại Hội nghị cho biết, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách lớn của hệ thống an sinh xã hội, có tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm tự nguyện (BHTN), BHYT cho thấy tình trạng lạm dụng, trục lợi với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau; việc lạm dụng, trục lợi diễn ra từ phía người lao động, người thụ hưởng và người sử dụng lao động với chiều hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng đó, tháng 5/2012, BHXH Việt Nam và Tổng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã thống nhất ban hành quy chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.
Đến nay, qua 5 năm thực hiện, cả nước có 58 BHXH tỉnh, thành phố đã phối hợp với Công an địa phương thực hiện ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; còn 5 tỉnh, thành phố chưa thực hiện ký kết Chương trình phối hợp gồm: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Bình.
Cũng qua việc thực hiện Quy chế phối hợp này, công tác phối hợp điều tra tội phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT giữa hai Ngành được thực hiện bài bản, theo đúng quy trình, thủ tục quy định. Hai bên đã thường xuyên phối hợp, có nhiều biện pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, công tác phối hợp đảm bảo an toàn tại các trụ sở tiếp công dân và các đơn vị trong hệ thống BHXH Việt Nam được duy trì thường xuyên và có hiệu quả, góp phần hạn chế các vụ việc nhiều người khiếu nại, tố cáo gây phức tạp về an ninh trật tự.
Từ năm 2012 đến nay, BHXH các tỉnh, thành thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị, doanh nghiệp.
Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn. Đồng thời, yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu với số tiền là 576.073 triệu đồng; yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; yêu cầu thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi số tiền do thanh tra, kiểm tra và phát hiện trục lợi, kết quả số tiền đã khắc phục nợ là 252.797 triệu đồng; đồng thời đã thu hồi được số tiền hơn 6.447 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH và số tiền 3.134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành đã phối hợp với các ngành và Công an các địa phương thực hiện khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động ra Tòa án do nợ tiền đóng BHXH kéo dài.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ – Quyền Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát, Bộ Công: Thực tế thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN có dấu hiệu ngày càng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp. Ngoài các hành vi né tránh nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, nợ quỹ BHXH tiếp tục tái diễn, còn phát sinh nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật khác như: các DN di chuyển khỏi nơi trú đóng hoặc DN có giấy phép kinh doanh nhưng không tồn tại đúng với địa chỉ trên giấy phép, tình trạng DN cho người lao động tăng lương đột biến, sau đó, lợi dụng các kẽ hở chính sách về BHXH để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng chính sách khám chữa bệnh BHYT để lập khống hồ sơ khám, chữa bệnh để tuồn thuốc trong diện BHYT đem ra ngoài bán thu lợi bất chính, lập khống hồ sơ BHTN, bảo hiểm thai sản để chiếm đoạt tiền của cơ quan BHXH, dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối quỹ BHXH, BHYT ở nhiều địa phương.
Nguyên nhân là sơ hở thiếu trong quy định của pháp luật, chuyên môn liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều sơ hở thiếu sót, không đầy đủ, không khoa học nên rất khó xử lý, quy trách nhiệm; các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn thấp, tính chất răn đe chưa cao; công tác giám định còn rất yếu và thiếu; một số BHXH tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong chỉ đạo phối hợp thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, theo đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, các đơn vị của 2 bên tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; kế hoạch phối hợp phải đi vào từng nội dung cụ thể nhằm khắc phục triệt để tình trạng thiếu hỗ trợ, hợp tác với nhau; cùng nhau phối hợp trong công tác tham mưu, kiến nghị hoàn thiện các quy định, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH… phục vụ công tác ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm vi phạm trong lĩnh vực này.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN để mọi người dân hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định liên quan đến lĩnh vực này; lực lượng Cảnh sát kinh tế và cơ quan bảo hiểm các cấp phải thường xuyên cung cấp, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm…
Từ các kết quả nêu trên, tại buổi lễ, hai đơn vị tiếp tục ký Quy chế phối hợp giai đoạn 2017-2022.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()