Tăng cường phân cấp quản lý biên chế
(LSO) – Sau một năm đẩy mạnh việc phân cấp về quản lý biên chế, các cơ quan, đơn vị hành chính từ tỉnh đến cơ sở tại Lạng Sơn đã được trao quyền tự chủ nhiều hơn trong việc quản lý biên chế được giao.
Ngày 5/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 62/2018/QĐ-UBND “Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn” thay thế Quyết định 25/2008/QĐ-UBND trước đó. Bà Đường Ngọc Xuyên, Trưởng Phòng Tổ chức biên chế và Phi chính phủ, Sở Nội vụ cho biết: Số lượng người làm việc của tỉnh năm 2019 là 22.973 người, trong đó, biên chế công chức là 2.129 người; số còn lại là viên chức, người lao động. Quyết định này ra đời nhằm tăng cường phân cấp đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về trách nhiệm, thẩm quyền quyết định của các tổ chức, cá nhân có liên quan. So với Quyết định số 25 thì Quyết định 62 có nhiều điểm mới hơn và có bước cải cách trong công tác quản lý biên chế.
Cán bộ Phòng Nội vụ huyện Chi Lăng trao đổi nghiệp vụ phân cấp quản lý biên chế trên địa bàn huyện.
Cụ thể Quyết định 62 quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh; giám đốc các sở, ngành; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện và chi cục trưởng. Theo đó, UBND tỉnh “trao quyền” nhiều hơn cho cấp, ngành trực thuộc và người đứng đầu cấp, ngành trực thuộc việc quản lý biên chế. Đơn cử, từ ngày 15/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ không thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, cho thôi việc, cho nghỉ hưu đối với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường cao đẳng, các trường trung cấp chuyên nghiệp mà trao quyền cho người đứng đầu cơ quan chủ quản các đơn vị này thực hiện…
Hơn nữa, nếu như theo quyết định cũ thì thẩm quyền, trách nhiệm của UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan được quy định theo hướng “khép kín” thì nay đã thực hiện theo hướng “mở”. Đó là trong trường hợp cần thiết, giám đốc các sở, chủ tịch UBND cấp huyện có thể ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu cơ quan thuộc và trực thuộc sở, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ. Theo đó, trong năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND cấp huyện đã thực hiện tốt, đúng quy định việc ủy quyền, phân cấp này. Đơn cử nếu như trước ngày 22/2/2019, Giám đốc Sở GD&ĐT thực hiện các nội dung về quy hoạch trưởng, phó phòng, đơn vị, tổ chức, bộ phận thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở và ký ban hành quyết định nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nhà giáo đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý thì từ ngày 22/2/2019, những việc này đã được ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở thực hiện. Tương tự, tại UBND cấp huyện, chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã ủy quyền cho phó chủ tịch UBND ký quyết định nâng lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; ủy quyền cho hiệu trưởng trường học ký quyết định kỷ luật cán bộ, thuyên chuyển công tác đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên… Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Huyện Chi Lăng có 64 trường học từ cấp học mầm non đến THCS với trên 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nếu chưa phân cấp, trung bình mỗi năm, Chủ tịch UBND huyện phải ký khoảng 1.000 quyết định nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên, kỷ luật, thuyên chuyển công tác đối với cán bộ, giáo viên. Nhờ ủy quyền cho cấp dưới và hiệu trưởng các trường mà việc này không những giảm áp lực trong việc ký ban hành quyết định cho Chủ tịch UBND huyện mà còn trao quyền và sự tự chủ trong quản lý biên chế với cấp dưới.
Mặc dù chưa có số liệu đánh giá chính xác kết quả một năm thực hiện Quyết định 62 nhưng theo thông tin từ Sở Nội vụ, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng các nội dung phân cấp quản lý biên chế theo quy định, không có vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tăng cường thanh, kiểm tra quá trình triển khai, tổ chức thực hiện để việc phân cấp quản lý biên chế ngày càng đem lại hiệu quả, góp phần cải cách hành chính về nội dung quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()