Tăng cường nguồn lực tài chính thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam
Bình đẳng giới (BĐG) là một yếu tố không thể thiếu trong kế hoạch phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Vì vậy, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng việc thúc đẩy BĐG và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên còn tồn tại nhiều khó khăn để có thể tiến tới BĐG thực chất, trong đó có vấn đề đầu tư nguồn lực tài chính.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) cho biết, BĐG là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Ngày nay, với một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, vị thế, năng lực của một quốc gia nói chung hay một tập đoàn, doanh nghiệp nói riêng không chỉ dựa vào những chỉ số, yếu tố kinh tế thuần túy mà còn phải tính đến các yếu tố, như: Môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, BĐG. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về BĐG, đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới.
Phụ nữ tham gia khóa học khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức. Ảnh: MAI ANH |
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ đã giảm các hỗ trợ tài chính cho BĐG, việc bảo đảm và huy động nguồn tài chính trong nước là vô cùng cấp thiết. Trong nhiều năm qua, UN Women đã vận động và giới thiệu các công cụ để đưa vấn đề BĐG vào các chính sách kế hoạch và tài chính của các quốc gia để bảo đảm rằng các cam kết BĐG sẽ được thực hiện.
Theo các chuyên gia, mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 sửa đổi đã có những thay đổi tiến bộ quan trọng khi đưa ra nguyên tắc thúc đẩy BĐG trong chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thúc đẩy nguồn lực tài chính cho BĐG còn gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu quy trình kế hoạch và ngân sách; thiếu các công cụ, hướng dẫn, cách tiếp cận ngân sách; chưa có số liệu phân tách theo giới tính; chưa theo dõi và dán nhãn được các khoản chi tiêu hướng về BĐG trong các báo cáo tài chính.
TS Vũ Phương Ly, chuyên gia UN Women tại Việt Nam đề xuất, cần thiết lập quy định mang tính bắt buộc về thực hiện phân tích giới, lồng ghép giới trong quá trình tổ chức thực hiện và đánh giá kế hoạch, ngân sách của các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường năng lực về ngân sách có trách nhiệm giới cho các bên liên quan, thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội, tăng cường hợp tác công tư. Các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động giới của chính sách và ngân sách phục vụ cho việc lập kế hoạch và xây dựng chính sách.
PGS, TS Vũ Cương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị, cần đưa các chỉ tiêu về giới thành chỉ tiêu kế hoạch chính thức trong các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội và HĐND các cấp. Gắn kết các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG với phân bổ ngân sách ở cấp độ chương trình, dự án cụ thể. Bên cạnh đó, cần đưa việc xác định mục tiêu hoặc đánh giá tác động về giới trở thành một yêu cầu bắt buộc, tự giác trong hoạch định chính sách và đề xuất các chương trình, dự án đầu tư phát triển. Từng bước xây dựng hệ thống lần vết, định danh hoặc mã hóa mức độ đóng góp vào mục tiêu BĐG trong các hoạt động chi tiêu ngân sách nhà nước.
Ý kiến ()