Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
Sáng 6/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến xây dựng, hoàn thiện đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì tọa đàm.
Tiếp cận pháp luật cần bám sát nhu cầu của người dân
Đề dẫn tại tọa đàm, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan và chủ thể có thẩm quyền thông qua thực hiện trách nhiệm của mình trong hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, phản ánh, thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo đã quan tâm hỗ trợ, trợ giúp để người dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở tôn trọng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật để thực hiện quyền và lợi ích của mình.
“Người dân ngày càng quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đồng thời tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình”, bà Quỳnh Hoa nói.
Tuy nhiên, bà Quỳnh Hoa cũng chỉ rõ: Một số người dân chưa có ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng sử dụng pháp luật nhằm thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cũng như thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Việc chủ động trang bị kiến thức pháp luật cho mình trước khi tham gia vào các quan hệ xã hội chưa được người dân chú trọng.
“Nội dung phổ biến pháp luật chưa bám sát nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống của người dân, Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn”, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh.
Việc triển khai các hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả, chưa tạo thuận lợi, bảo đảm tính thông suốt, đồng bộ, đầy đủ cho người dân tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện kỹ thuật số, thiết bị hiện đại trong các công tác này chưa được đầu tư tương xứng đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Góp ý về đề án, GS. Hoàng Thị Kim Quế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các tổ chức bổ trợ tư pháp như luật sư, trợ giúp pháp lý chưa có cơ chế pháp lý trong việc nâng cao tiếp cận pháp luật của người dân. Vì thế, việc ban hành đề án này với trách nhiệm của Bộ Tư pháp là hết sức cần thiết để người dân tiếp cận một cách đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi pháp luật, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn.
“Lâu nay việc tiếp cận pháp luật của người dân là những ‘mảnh ghép’ rời rạc từ các bộ, ngành mà chưa có kết nối chung một đầu mối điều phối hoạt động này. Vì thế, việc ra đời đề án này đáp ứng yêu cầu đó của thực tiễn hiện nay”, GS. Kim Quế nói.
Bên cạnh đó, ông đề nghị nâng cao văn hoá pháp luật và tính tự chủ của tổ chức, cá nhân; khẳng định nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân ngày càng tăng, tạo điều kiện để thay đổi nhận thức của Nhà nước nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Nhà nước cần xây dựng thể chế, chính sách để phục vụ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác tiếp cận và phổ biến, giáo dục pháp luật
TS. Bùi Xuân Phái (Trường Đại học Luật Hà Nội) lưu ý, chỉ tiếp cận pháp luật thực định là chưa đủ, mà phải mở rộng tiếp cận tri thức pháp luật. Đó là, người dân cũng nên hiểu tại sao pháp luật như vậy. Bởi đây là quyền của cá nhân, tổ chức và xuất phát từ nhu cầu để sử dụng hiệu quả pháp luật, chú trọng đến các hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, giải thích pháp luật. Người dân có quyền yêu cầu các chủ thể cung cấp các dịch vụ pháp luật và trách nhiệm của Nhà nước là tìm hiểu, xác định nhu cầu của người dân để cung cấp dịch vụ pháp luật, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá các dịch vụ này…
“Kích thích được nhu cầu và thói quen tìm hiểu pháp luật để trước khi làm gì người dân tìm hiểu để tránh được rủi ro, vướng mắc pháp lý, thiệt hại, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân”, TS. Bùi Xuân Phái nói.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ: Đề án cần đặt trọng tâm gắn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ. Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đã có trong dự thảo, cần bổ sung một số nội dung về thực hiện chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu của người dân trong điều kiện mới; có các dữ liệu thông tin, xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong cập nhật, quản lý công tác tiếp cận pháp luật.
Đồng thời, tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hoạt động trực tiếp ở cơ sở, năng lực cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng; khuyến khích, thúc đẩy giao quyền cho các địa phương có cơ chế tăng cường nguồn lực cho hoạt động của các tổ chức này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng lưu ý các giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cần xác định cụ thể dựa trên cơ sở bảo đảm sự tương tác quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các nhóm chủ thể “Nhà nước – công dân, doanh nghiệp – tổ chức”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu tập trung vào một số giải pháp cụ thể, như xem việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp không thể thiếu, và phải làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật. Nâng cao năng lực cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở cơ sở đối với các nhóm đối tượng ưu tiên trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.
Ý kiến ()