Tăng cường liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác đối thoại
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 (AEM 47) và các hội nghị liên quan, ngày 23/8, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur (Malaysia) đã diễn ra các hội nghị tham vấn của các Bộ trưởng kinh tế ASEAN với các đối tác đối thoại.
Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, Trung Quốc và Tổng thư ký ASEAN |
Các hội nghị này gồm tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN với Bộ Thương mại Trung Quốc (AEM – MOFCOM lần thứ 14); với Bộ Kinh tế Hàn Quốc (AEM – ROK lần thứ 12); Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (AEM – METI lần thứ 21); với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (AEM 3 lần thứ 18); với Australia và New Zealand (AEM-CER lần thứ 20); và với Ấn Độ và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Ấn Độ (AEM-Ấn Độ-AIBC lần thứ 12). Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị này.
Tại tham vấn AEM – MOFCOM lần thứ 14, các Bộ trưởng lưu ý Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Kim ngạch thương mại đã tăng gấp ba lần từ 113,3 tỷ USD năm 2005 lên mức 366,5 tỷ USD trong năm 2014. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed (Mu-xta-pa Mô-ha-mét) nhắc lại mong muốn Trung Quốc tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm của ASEAN tiếp cận thị trường Trung Quốc, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thâm nhập thị trường Trung Quốc. Các bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn thành chương về Thủ tục Hải quan và Hỗ trợ thương mại (CPTF) trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). CPTF giúp đơn giản hóa và hài hòa các thủ tục hải quan, giải phóng hàng hóa nhanh chóng hơn, minh bạch và ổn định trong việc xin thủ tục hải quan giữa ASEAN và Trung Quốc. Các bộ trưởng cũng thảo luận về các công việc đang được tiến hành bởi các chuyên viên về việc nâng cấp ACFTA, ghi nhận những nỗ lực của các chuyên viên nhằm cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Ðồng thời, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đề nghị Trung Quốc xem xét cải thiện thuế quan đối với danh sách 307 sản phẩm mà ASEAN đã gửi tới phía Trung Quốc.
Tại tham vấn AEM – ROK lần thứ 12, các bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất và ký Nghị định thư thứ ba sửa đổi đối với Hiệp định thương mại hàng hóa tự do giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA). Nghị định thư này giúp đơn giản hóa AKFTA trên một số lĩnh vực như: Cung cấp một chương trình giảm thuế toàn diện với các hạng mục thuế quan ưu đãi; Cho phép Chứng nhận nguồn gốc sử dụng con dấu và chữ ký điện tử; thúc đẩy việc xuất bản sớm những luật lệ và quy định mới liên quan tới AKFTA… Các bộ trưởng cũng hoan nghênh thỏa thuận đạt được về việc cải thiện tiếp cận thị trường đối với những hàng hóa đặt trong danh mục hàng hóa nhạy cảm theo AKFTA, đồng thời nhất trí các quốc gia sẽ cùng nỗ lực nhằm tiếp tục giảm hoặc xóa bỏ các loại thuế từ 1% đến 2% của các sản phẩm nằm trong AKFTA với xấp xỉ 200 loại thuế. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh việc thực hiện hơn 50 dự án hợp tác trong lĩnh vực kinh tế từ năm 2009 đã giúp tăng năng lực của các nước ASEAN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, thúc đẩy đầu tư, đóng tàu, thủ tục hải quan, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, môi trường và SME.
Tại tham vấn AEM – METI lần thứ 21, các bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng với việc hoàn tất các chương về thương mại dịch vụ và đầu tư của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP). Các bộ trưởng nhất trí hoàn tất các vấn đề khó trong vài tháng tới và đồng ý về Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc thực hiện đầy đủ AJCEP sẽ được đưa ra vào cuối năm 2015. Các bộ trưởng cũng ghi nhận tiến triển đạt được trong việc thực hiện Lộ trình 2015 về Hợp tác Kinh tế chiến lược 10 năm ASEAN- Nhật Bản, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển của các SME, các ngành công nghiệp mới, hợp tác công nghệ và tiến hành các nghiên cứu nhằm giảm các hàng rào phi thuế trong thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh những gợi ý của Nhật Bản cho Kế hoạch Hành động sau năm 2015 của AEC.
Tại cuộc tham vấn AEM 3 lần thứ 18, các bộ trưởng ghi nhận tiến bộ trong triển khai các khuyến nghị của Nhóm tầm nhìn Đông Á II (EAVG-II) liên quan đến trụ cột kinh tế và sự phối hợp chung giữa các trung tâm ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc. Các bộ trưởng nhất trí cần tăng cường trao đổi và phối hợp giữa ba trung tâm trong việc tạo thuận lợi và tăng cường mối liên kết thương mại và đầu tư ASEAN 3 cũng như là với các đối tác đối thoại khác của ASEAN.
Trong đối thoại với Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC) các bộ trưởng hoan nghênh các đề xuất xây dựng của Hội đồng, đặc biệt là các kiến nghị về hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSME) tiếp cận với các khoản vay không thế chấp tương tự như các khoản vay được bàn thảo trong Kế hoạch hành động SME sau năm 2015.
Về đề xuất phát triển Khuôn khổ Thương mại điện tử của EABC để tạo thuận lợi cho chuỗi giá trị thương mại điện tử khu vực Đông Á, các bộ trưởng cho biết công việc đang trong tiến trình tiến tới thành lập một khuôn khổ thương mại điện tử mạnh trong khu vực. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh sự ủng hộ của EABC đối với các đàm phán thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Tại cuộc tham vấn AEM-CER lần thứ 20, các bộ trưởng hoan nghênh việc thực hiện suôn sẻ Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), vốn có hiệu lực từ tháng 1/2010. Việc thực hiện AANZFTA đã góp phần củng cố Quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ giữa ASEAN-Australia-New Zealand (CER). Trong bối cảnh hiện nay, các bộ trưởng kêu gọi đẩy nhanh phê chuẩn Nghị định thư thứ nhất về sửa đổi Hiệp định AANZFTA, tạo điều kiện cải thiện và đơn giản hóa thủ tục giảm thuế theo AANZFTA. Các bộ trưởng ghi nhận kể từ khi thực hiện AANZFTA, thương mại giữa ASEAN-Australia-New Zealand đã tăng từ 75,7 tỷ USD năm 2012 lên 82 tỷ USD năm 2014. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh hỗ trợ mạnh mẽ của Australia và New Zealand theo Chương trình Hỗ trợ hợp tác Kinh tế AANZFTA (AECSP), theo đó nhiều chương trình xây dựng năng lực đã được thực hiện.
Tại cuộc tham vấn AEM-Ấn Độ lần thứ 12, các bộ trưởng hoan nghênh việc đưa vào thực hiện các Hiệp định thương mại Dịch vụ và Đầu tư ASEAN – Ấn Độ với Brunei, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời kêu gọi phê chuẩn nhanh chóng hai hiệp định này với các nước còn lại trong ASEAN. Trong khuôn khổ AEM-Ấn Độ 12, các bộ trưởng cũng đã tham vấn với Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Ấn Độ (AIBC), kêu gọi AIBC và các cộng đồng doanh nghiệp cả hai bên tận dụng các Hiệp định thương mại Dịch vụ và Đầu tư ASEAN – Ấn Độ, đồng thời nhất trí tạo thuận lợi và củng cố AIBC.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()