Tăng cường liên kết để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững
Ngày 21-8, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội thảo phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030.
Giai đoạn 2011-2015, phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gồm An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ) đạt được những kết quả khả quan, với tốc độ tăng GDP bình quân từ 8 đến 9%/năm. ĐBSCL đã đóng góp gần 16% GDP cả nước, tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cho địa phương chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất so với các vùng khác. Mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020, ĐBSCL đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10,5%/năm. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.300 USD, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế gần 90%…
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng cần lựa chọn phát triển sản phẩm theo thế mạnh nhưng phải gắn với thị trường trong nước và thế giới; đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ; sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn tạo ra giá trị, năng suất cao; mở rộng liên kết đầu vào, đầu ra, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với các vùng kinh tế trọng điểm khác để ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng…
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()