Tăng cường kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch ngân sách
Hôm qua, ngày 25-11 là ngày làm việc thứ 30 của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua: dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, với 418 đại biểu tán thành, bằng 84,1% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật cần thực hiện theo hướng tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, nhất là bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Phần lớn đại biểu tán thành tám nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định trong dự án Bộ luật, nhưng có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc mà pháp luật dân sự cần có, đó là nguyên tắc bất động sản và những tài sản mà pháp luật quy định phải được đăng ký, việc chiếm hữu không suy đoán là sở hữu.
Về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, Ðiều 145 dự thảo Bộ luật quy định: Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu. Ðại biểu Nguyễn Công Hồng (Ðồng Nai), Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra là một tài sản hợp pháp được giao dịch công khai, minh bạch, tài sản được thanh toán và chuyển giao theo đúng thỏa thuận nhưng nếu tài sản đó chưa được đăng ký quyền sở hữu thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu và bên thứ ba sẽ không được bảo vệ. Do đó, cần nghiên cứu kỹ nội dung này, bởi việc đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ là một trong những căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết khi xảy ra tranh chấp chứ không thể coi là căn cứ duy nhất để xác định bảo vệ hay không bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Ðối với thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, Khoản 3 Ðiều 179 dự thảo Bộ luật quy định: Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ trường hợp luật khác có quy định khác. Một số đại biểu cho rằng quy định này là chưa phù hợp, bởi sẽ đồng nghĩa với việc Nhà nước không công nhận các giao dịch dân sự về tài sản pháp luật quy định phải đăng ký mà không đăng ký, như vậy người mua không được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền tài sản và người bán có thể kiện đòi bất cứ lúc nào đối với tài sản đã bán. Quy định như vậy không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, thiện chí, trung thực trong giao dịch dân sự.
Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
Ðầu phiên họp buổi chiều, QH đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 385 đại biểu tán thành, đạt 77,46% tổng số đại biểu QH. Tiếp đó, QH biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với 411 đại biểu tán thành, đạt 82,70% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận tại hội trường về Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) (sửa đổi), các đại biểu QH cho rằng Luật NSNN ban hành đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi toàn diện nhằm đổi mới về thể chế quản lý NSNN, phù hợp điều kiện thực tiễn của nước ta và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, góp phần khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành NSNN.
Thảo luận về phạm vi thu chi NSNN, đại biểu Lê Ðắc Lâm (Bình Thuận) và một số đại biểu khác cho rằng, việc quản lý phí, lệ phí chưa thống nhất giữa các địa phương, phân cấp giữa T.Ư và địa phương chưa phù hợp thực tiễn; nguyên tắc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương còn bất hợp lý, chưa mang được tính động viên địa phương, dẫn đến chưa thúc đẩy xã hội hóa cung cấp dịch vụ công. Các đại biểu đề nghị các quy định trong Luật cần gắn chặt với tinh thần của Hiến pháp, tức là các khoản thu chi NSNN phải được dự toán theo luật định và NSNN phải được quản lý thống nhất.
Một số đại biểu QH cho rằng, tình trạng sử dụng ngân sách kém hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vẫn còn. Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch của NSNN, đề nghị QH ban hành Luật Ngân sách thường niên thay vì ban hành Nghị quyết như hiện nay. Luật NSNN hiện nay đổi thành Luật Quản lý ngân sách nhà nước để phù hợp với bản chất, nội dung của Luật. Về quy trình xem xét NSNN, đại biểu Bùi Ðức Thụ (Lai Châu) cho rằng, hiện nay, việc triển khai lập NSNN thường bắt đầu từ tháng 5 hằng năm để trình QH vào kỳ họp cuối năm để QH thảo luận, quyết định. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, việc điều chỉnh NSNN, phân bổ ngân sách T.Ư rất khó điều chỉnh, do vậy đề nghị, tại kỳ họp QH giữa năm, QH sẽ cho ý kiến về những chỉ tiêu và cân đối lớn, các chính sách lớn về thu, chi NSNN; các ưu tiên và nguyên tắc trong phân bổ NSNN; tổng thu, tổng chi: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và dự kiến mức bội chi NSNN. Tại kỳ họp cuối năm, QH sẽ xem xét, quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách T.Ư chi tiết, cụ thể hơn cho từng ngành, lĩnh vực. Ðiều này bảo đảm chất lượng quyết định NSNN của QH và HÐND, phù hợp thông lệ quốc tế được nhiều nước áp dụng.
Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được QH xem xét, sửa đổi nhiều nội dung, với cách tiếp cận mới về các quan hệ dân sự. Ðể Bộ luật đi vào cuộc sống, sau khi QH thông qua Bộ luật này, các cơ quan chức năng cần ban hành kịp thời hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý một cách toàn diện, để các tổ chức, cá nhân trong nước hiểu, nhận thức sâu sắc về nội dung các quy định sửa đổi trong Bộ luật này.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()