Tăng cường kiểm tra việc tàng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
LSO-Thời gian qua, việc kinh doanh, sử dụng chất cấm như salbutamol, Vàng O... trong chăn nuôi trên cả nước đã khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đến nay các cơ quan chức năng chưa phát hiện hiện tượng này, tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn đang tiếp tục được tăng cường.
Trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã Minh Sơn (Hữu Lũng) chủ yếu sử dụng thức ăn lá ngũ cốc, đảm bảo chất lượng thịt lợn rừng |
Trạm Thú y thành phố Lạng Sơn những ngày này bận rộn hơn rất nhiều. Ngoài công việc chuyên môn thường ngày, cán bộ trạm đã tích cực tham gia phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác kiểm tra việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn.
Ông Nguyễn TrườngNam, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: đối tượng kiểm tra là các cơ sở giết mổ gia súc, các cơ sở chăn nuôi lớn (gia trại, trang trại) và cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Các điểm chăn nuôi tập trung với quy mô gia trại, trang trại trên địa bàn thành phố không nhiều, theo thống kê chỉ có 3 gia trại tập trung trên địa bàn xã Mai Pha. Trong khi đó các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi lại khá nhiều, thống kê có 17 cơ sở trên địa bàn thành phố và các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ.
Đến ngày 20/4/2016, Trạm Thú y thành phố đã phối hợp với đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tiến hành kiểm tra dư lượng chất cấm trong nước tiểu lợn tại các cơ sở giết mổ. Qua kiểm tra 6 cơ sở chưa phát hiện dư lượng chất cấm.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: triển khai kế hoạch của tỉnh, từ tháng 10/2015 đến đầu tháng 4/2016, đơn vị đã phối hợp kiểm tra việc tàng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được 2 đợt. Trong đó, đợt 1 đã kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, lấy 5 mẫu phân tích các chỉ tiêu như: Protein thô, salbutamol, Asen… Kết quả phân tích chỉ tiêu protein thô đạt so với công bố và không phát hiện chất cấm trong chăn nuôi.
Đợt 2, các đơn vị kiểm tra 26 cơ sở, bao gồm: 13 cơ sở chăn nuôi lợn thịt; 8 cơ sở chăn nuôi gia cầm; 5 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả thức ăn thủy sản. Qua đó đã lấy 21 mẫu (trong đó 10 mẫu nước tiểu lợn; 10 mẫu thức ăn chăn nuôi gia cầm; 1 mẫu thức ăn chăn nuôi lợn). Kết quả phân tích đều đạt so với yêu cầu và chưa phát hiện chất cấm trong chăn nuôi. Hiện nay các huyện, thành phố đang tiếp tục kiểm tra đợt 3.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 612 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Cùng với đó là hệ thống 350 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: cùng với việc tiếp tục kiểm tra, phân loại các cơ sở này, Chi cục sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra và thanh tra đột xuất nhằm phát hiện sớm và kịp thời xử lý các hành vi tàng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Đối với các cơ sở chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh không có nhiều cơ sở chăn nuôi lớn, chủ yếu là nhỏ lẻ, ngành hữu quan đã tăng cường tuyên truyền, vận động và phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức ký cam kết đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ chăn nuôi.
Thời gian qua trên cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ tàng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong đó đã phát hiện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm giáp ranh với Lạng Sơn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hiện nay các cơ quan chức năng chưa phát hiện việc tàng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đây là tin mừng đối với người tiêu dùng. Còn với các hộ chăn nuôi, thông tin này cũng là cơ hội để khẳng định sự tin cậy của các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, qua đó có thể mở rộng thị trường. Tất nhiên, điều quan trọng là mỗi người chăn nuôi, mỗi cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc cần kiên quyết nói không với chất cấm, vì sức khỏe cộng đồng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()