Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân số
– Những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, chính sách DS-KHHGĐ được ngành dân số tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới.
Cán bộ Phòng Dân số Trung tâm Y tế huyện Bình Gia (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ đến người dân
Xác định công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh đã ban hành các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, giao Chi cục DS-KHHGĐ chủ trì trong việc tổ chức triển khai, thực hiện. Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hằng năm, chi cục đã xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập đoàn kiểm tra lựa chọn kiểm tra tại một số xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố để nằm tình hình thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ, các chính sách được triển khai trên địa bàn. Qua kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo và triển khai công tác dân số tại cơ sở, chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, làm rõ nguyên nhân và các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác dân số.
Từ năm 2019 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức kiểm tra được gần 100 lượt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nội dung các buổi kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các đề án, chương trình, mô hình về quy mô, nâng cao chất lượng dân số; công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở; việc thực hiện các nghị quyết, nghị định liên quan đến dân số như: Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị định 39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số; Nghị quyết 25/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…
Đơn cử, năm 2022, qua kiểm tra tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chỉ ra một số hạn chế như: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân số của đội ngũ cộng tác viên còn hạn chế; việc thu thập thông tin, các di, biến động về dân số đôi khi còn chưa kịp thời, còn nhiều sai lệch. Chị Hoàng Thị Diệp, cán bộ chuyên trách dân số xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: Xã có 8 thôn nhưng hiện nay chỉ có 6/8 cộng tác viên dân số, 2 thôn chưa có cộng tác viên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác tuyên truyền cũng như nắm các di, biến động về dân số. Chúng tôi đã và đang tham mưu chính quyền xã bố trí, kiện toàn nhân lực sao cho phù hợp với thực tế.
Cùng đó, phòng dân số các huyện, thành phố cũng chủ động kiểm tra việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở. Ông Hoàng Văn Tạ, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Văn Quan cho biết: Hằng năm, chúng tôi tham gia cùng đoàn công tác của huyện kiểm tra về thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế trong đó có công tác DS-KHHGĐ. Qua kiểm tra, đã kịp thời chỉ ra những hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục như: rà soát, nắm tình hình đối với những cộng tác viên còn yếu về nghiệp vụ để cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn dân số của tỉnh; cử cán bộ làm công tác quản lý kho dữ liệu điện tử của phòng dân số huyện trực tiếp hướng dẫn cho cộng tác viên các thôn về cách thu thập, cập nhật thông tin biến động về dân số. Nhờ đó, các chỉ tiêu về dân số ngày càng được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của huyện là 10,5%, giảm 0,7% so với cùng kỳ 2022.
Thông qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ đã giúp cơ quan dân số các cấp trong tỉnh kịp thời nắm tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại cơ sở, từ đó tham mưu với chính quyền cùng cấp chỉ đạo, điều hành nhằm phát huy mặt tích cực, tìm giải pháp từng bước gỡ khó, khắc phục hạn chế đã chỉ ra.
Có thể khẳng định, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu như: giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh trung bình 0,6 điểm %/năm, năm 2019 là 115,8 bé trai/100 bé gái, đến hết năm 2022 giảm còn 114 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 10,4% năm 2019 xuống 9,9% năm 2022; hằng năm có trên 50.000 người mới sử dụng phương tiện tránh thai.
Ý kiến ()