Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục nghề nghiệp
LSO-Đánh giá hiệu quả công tác dạy nghề, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, yêu cầu khắc phục kịp thời thiếu sót, xử lý vi phạm nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề - đó là mục đích của công tác kiểm tra, giám sát dạy nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Những năm qua, ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác này.
Đoàn kiểm tra, giám sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (bên phải) kiểm tra công tác dạy nghề tại huyện Văn Quan |
Hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở GDNN, trong đó có 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên cấp huyện, 3 trung tâm GDNN của các tổ chức đoàn thể, 2 trung tâm GDNN tư thục.
Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đều xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở GDNN trên địa bàn. Hai lĩnh vực được kiểm tra, giám sát là: đào tạo, liên kết đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp; đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Từ năm 2016, công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở GDNN được đẩy mạnh. Theo đó, Sở LĐTB&XH thành lập đoàn thanh tra (thay vì chỉ có Phòng Dạy nghề đi kiểm tra như trước đây) gồm: Phòng Dạy nghề, các phòng chức năng và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát lĩnh vực dạy nghề là do: sau sáp nhập, trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên gặp khó khăn bởi có biến động mạnh về công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự; kéo theo việc quản lý, điều hành, trong đó có hoạt động dạy nghề chưa thống nhất, linh hoạt, ảnh hưởng đến kết quả đào tạo nghề. Bên cạnh đó, ở nhiều đơn vị, trình độ quản lý, chuyên môn về GDNN hạn chế dẫn đến sai phạm về hồ sơ thủ tục quyết toán, hồ sơ quản lý đào tạo, thời gian đào tạo…
Theo thống kê của Phòng Dạy nghề, nếu từ năm 2010 đến năm 2016, ngành chức năng thực hiện trên 500 cuộc kiểm tra, giám sát thì chỉ trong 2 năm 2016 – 2017, Sở LĐTB&XH đã thực hiện hơn 400 cuộc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đào tạo nghề. Nội dung kiểm tra, giám sát về: cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề (quản lý, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề tại cơ sở giáo dục nhà nước công lập); kết quả hoạt động đào tạo; công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, đào tạo… Qua kiểm tra, giám sát, đa số các đơn vị đều có thiếu sót, sai phạm trong việc lập, quản lý và thanh quyết toán đối với hồ sơ đào tạo, quyết toán kinh phí các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đoàn Thanh tra đã yêu cầu đơn vị khắc phục ngay đối với các sai phạm. Cụ thể, đối với sai phạm về hồ sơ đào tạo: yêu cầu 9/10 huyện được kiểm tra nhanh chóng bổ sung, chỉnh sửa đúng với quy định hiện hành. Đối với các sai phạm về thời gian đào tạo, sai phạm về tài chính: yêu cầu xuất toán kinh phí khoảng 400 triệu đồng (trong đó, nhiều nhất là huyện Văn Lãng 40 triệu đồng, ít nhất là huyện Văn Quan 3 triệu đồng). Kinh phí xuất toán sau đó đều được xử lý theo đúng quy định.
Theo bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, sau khi tăng cường kiểm tra, giám sát, công tác dạy nghề ở cơ sở GDNN, các đơn vị được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời khắc phục sai phạm. Hiện các cơ sở GDNN đều khắc phục tốt hạn chế, yếu kém, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề.
Thống kê năm 2016, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 8.580 người, đạt 100,9% kế hoạch đề ra. Ước năm 2017, đào tạo nghề cho 8.500 người, đạt 100% kế hoạch đề ra. |
THANH HÒA
Ý kiến ()