Tăng cường kiểm tra, giám sát
LSO-Kết thúc năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được 306 km mặt đường bê tông xi măng, 34 cầu dân sinh. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 37.842 tấn xi măng, khối lượng thực hiện giá trị tương đương 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã xuất hiện những bất cập trong quản lý sử dụng xi măng, kiểm soát thi công mặt đường bê tông xi măng lỏng lẻo dẫn đến nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng đề ra.
Nhân dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng làm đường bê tông nông thôn |
Trong năm 2014, để công trình đường giao thông nông thôn (GTNT) đảm bảo chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng đối với từng cấp đường tại các xã và do xã hoặc thôn tự triển khai xây dựng, tỉnh đã ban hành những cơ chế quản lý chặt chẽ. Kèm theo đó, các ngành liên quan cũng đã có văn bản hướng dẫn chi tiết để các huyện phổ biến xuống cơ sở thống nhất tổ chức thực hiện.
Về quy trình cấp xi măng, tỉnh cũng rất linh hoạt. Ngoài cấp kinh phí trực tiếp cho các huyện, thành phố theo tinh thần Nghị quyết 54 của HĐND tỉnh từ đầu năm, hằng năm, tỉnh còn dành một khoản kinh phí không nhỏ để hỗ trợ xi măng cho các đơn vị làm tốt nhằm động viên cơ sở đẩy mạnh phong trào bê tông hóa, góp phần củng cố kết cấu hạ tầng giao thông tại thôn bản.
Tuy nhiên, thực tế triển khai sử dụng xi măng và phong trào bê tông hóa đường GTNT trong năm 2014 cho thấy việc tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng xi măng, quản lý quy trình thi công công trình ở một số đơn vị chưa nghiêm túc. Việc phân bổ xi măng cho các xã còn theo mức bình quân, chưa dựa trên hồ sơ thiết kế cũng như nhu cầu xi măng của từng công trình dẫn đến nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Đáng ngại hơn là công tác quản lý, giám sát việc tổ chức thi công còn phó mặc cho các thôn tự làm khiến cho kết cấu mặt đường bê tông xi măng không bảo đảm theo quy định kỹ thuật của tỉnh (về sử dụng vật liệu, chiều dày bê tông, chiều rộng mặt đường và mác vữa để xây dựng công trình).
Theo báo cáo về kiểm tra kết quả kiểm tra làm đường GTNT và tình hình sử dụng xi măng theo chương trình hỗ trợ xi măng làm đường GTNT năm 2014 của Sở Giao thông – Vận tải cho thấy, nhiều cơ sở vi phạm quy trình kỹ thuật khi xây dựng mặt đường bê tông xi măng nông thôn mới. Chẳng hạn như tại các huyện Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định, khi làm đường bê tông nhiều xã chỉ sử dụng 2 thành phần cốt liệu là đá mạt và xi măng để bê tông hóa mặt đường, vừa tốn nhiều xi măng, giảm hiệu quả đầu tư, chất lượng cũng chưa bảo đảm.
Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định 604/QĐ-UBND ngày 8/5/2014 của UBND tỉnh về thiết kế mẫu mặt đường bê tông xi măng phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đối với đường loại D (cấp thấp nhất sử dụng cho phương tiện xe máy, máy nông cụ phục vụ sản suất) tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế mặt đường bê tông xi măng phải đạt mác 150, thành phần cốt liệu phải đủ thành phần là đá dăm (hoặc sỏi suối) đường kính 4 cm, cát sạch (cát tự nhiên hoặc cát nghiền) xi măng và độ sụt của bê tông phải đạt từ 6 cm đến 8 cm. Không những vậy, một số xã còn cấp xi măng cho hộ gia đình làm đường là chưa đúng mục đích.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bình Gia thừa nhận: việc kiểm soát sử dụng xi măng làm đường của huyện tại các xã và thôn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng cán bộ mỏng, địa bàn xa, điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn; toàn bộ quá trình thi công, nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng tại các thôn đều dựa vào cán bộ xã và số liệu báo cáo của xã, hiện huyện rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, cũng có những huyện có cách quản lý sử dụng xi măng cũng như kiểm soát quá trình tổ chức làm đường bê tông tại cơ sở khá tốt, Hữu Lũng là một ví dụ. Theo ông Bàng Đức Cường, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng: để kiểm soát việc sử dụng xi măng tại cơ sở có đúng mục đích và chất lượng công trình bảo đảm yêu cầu hay không, ngoài quản lý qua hồ sơ, bao giờ phòng cũng cử cán bộ xuống tận thực địa nơi công trình khảo sát trước khi được thi công và khi nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Không những vậy, nếu như xã hoặc thôn không chuẩn bị được mặt bằng, vật liệu đối ứng bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì huyện không bao giờ cấp xi măng.
Nhân dân thôn Khau Khú, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng bê tông hóa đường GTNT – Ảnh: THANH SƠN |
Ông Nguyễn Đình Đại, Quyền Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Sở đã báo cáo tỉnh về kết quả kiểm tra tình hình sử dụng xi măng cũng như những bất cập trong việc xây dựng mặt đường bê tông năm 2014. Theo đó, sở kiến nghị các huyện, thành phố trong năm 2015 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hướng dẫn các xã, thôn sử dụng xi măng đúng mục đích, đúng thiết kế mẫu quy định theo Quyết định số 604 của UBND tỉnh cũng như quy chế quản lý đầu tư đường GTNT ban hành kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND tỉnh. Đặc biệt, các xã cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý, hướng dẫn thôn bản làm tốt công tác kế hoạch, huy động hiệu quả nguồn lực từ sức dân để đối ứng xây dựng công trình GTNT gắn với bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm luôn sạch sẽ theo đúng tiêu chí nông thôn mới.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()