Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, diện tích lúa ở miền Bắc thiệt hại khoảng 13.000 ha. Trong đó, tỉnh Thái Bình chịu thiệt hại nhiều nhất với diện tích hơn 10.000 ha.
Trước tình hình đó, Cục khuyến cáo các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, ruộng lúa nào mới gieo cấy nếu không bật rễ trắng có thể bỏ và gieo bổ sung bằng các giống ngắn ngày. Sử dụng ngâm ủ mạ dự phòng, áp dụng rộng rãi phương thức gieo thẳng vẫn bảo đảm được lịch thời vụ và gieo cấy hết những diện tích theo kế hoạch.
UBND tỉnh Thái Bình đã gửi công điện khẩn đề nghị các huyện, thành phố, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tạm hoãn các cuộc họp, tham quan chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ xuân. Tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm tra, thống kê diện tích lúa chết, diện tích phải dặm tỉa, diện tích mạ dự phòng để chủ động gieo tiếp mạ bổ sung bằng các giống ngắn ngày.
Riêng đối với Bắc Kạn, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vụ xuân năm nay trên địa bàn tỉnh có 1.846 ha (chiếm 25%) diện tích cấy lúa xuân đang bị hạn, trong đó có 1.186 ha nằm trong diện phục vụ của công trình thủy lợi, nhưng hiện nay nguồn nước cạn kiệt. Khắc phục tình trạng này, tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Thủy nông và chính quyền các địa phương huy động tối đa số máy bơm hiện có để hút nước về đồng phục vụ nông dân cấy lúa. Đối với 175 ha đất bị khô hạn không thể khắc phục được, nông dân chủ động chuyển sang trồng các loại cây màu như ngô, đậu, lạc, rau, không để đất trống.
Còn tại tỉnh Nghệ An, mặc dù diện tích thiệt hại do rét đậm rét hại không nhiều do chủ yếu là trà xuân muộn nhưng tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là cán bộ ngành nông nghiệp ở cơ sở cùng nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, thống kê diện tích thiệt hại để kịp thời hỗ trợ nông dân…
Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Dương hiện cũng đã và đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại. Theo đó, ngành nông nghiệp yêu cầu đối với diện tích lúa đã chết hoặc bị ảnh hưởng nặng, khả năng phục hồi khó, các địa phương phải hướng dẫn nông dân kịp thời ngâm ủ giống lúa ngắn ngày để gieo vãi ở chân ruộng cao và vàn cao; tiến hành gieo mạ cấy lại ở diện tích chân ruộng trũng. Đối với những diện tích phải gieo mạ cấy lại, có thể kéo dài thời gian gieo cấy đến ngày 5/3. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng sau các đợt rét đậm, rét hại để gieo cấy bổ sung, khôi phục sản xuất kịp thời vụ.
Để đảm bảo nguồn giống phục vụ nông dân, tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo các công ty sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn giống dự phòng, cung cấp kịp thời vụ cho nông dân gieo cấy lại. Được biết, đối với những diện tích lúa bị ảnh hưởng, bà con nông dân đã và đang tiến hành tỉa dặm kịp thời.
Tỉnh Nam Định cũng đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân tập trung phương tiện làm đất, san ruộng, điều tiết nước và huy động tối đa lực lượng tranh thủ những ngày trời ấm (nhiệt độ bình quân ngày trên 150C) khẩn trương cấy nhanh, cấy hết diện tích mạ đã gieo.
Kịp thời nắm bắt tình hình thiệt hại do rét đậm, rét hại với đồn ruộng, tổ công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã xuống địa bàn rà soát, khuyến cáo nông dân các biện pháp khắc phục. Đến nay, toàn tỉnh gieo cấy 33.000 ha lúa xuân, đạt hơn 60% kế hoạch. Trường hợp không kịp gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất (trước 5/3) thì có thể kéo dài đến 10/3.
Theo CPV
Ý kiến ()