Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm
LSO-Khoảng 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus hay còn gọi là tôm hùm đất) được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội và thu hút nhiều người tiêu dùng mua về ăn. Tuy nhiên, đây lại là sinh vật ngoại lai, cấm nuôi và kinh doanh ở Việt Nam.
Tôm hùm đất khi còn sống
Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn không có bán tôm hùm đất, nhưng việc tìm mua tôm hùm đất không khó. Chỉ cần vào mạng xã hội gõ cụm từ “Tôm hùm đất” sẽ hiện ra hàng chục trang cá nhân rao bán tôm hùm đất từ sống đến chín với mức giá dao động từ 250.000 đến 500.000 đồng/kg.
Chị T.L.D (xin giấu tên), đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi mua tôm hùm đất từ Hà Nội về bán, chủ yếu là khách đặt hàng trên mạng xã hội. Có ngày gom bán được hơn 30 kg. Tôm về đến nơi vẫn còn tươi sống.
Còn chị Ngọc Yến, đường Lê Đại Hành, thành phố Lạng Sơn thì cho biết chị nhập hàng chủ yếu ở bên Móng Cái (Quảng Ninh) về bán. Mới đầu ít người biết đến nhưng 2 tuần trở lại đây rất nhiều khách hỏi ăn, cứ đều đều 1 – 2 ngày được 10 kg. Nếu có khách đặt nhiều thì hàng về hằng ngày.
Theo như giới thiệu của những người bán hàng, tôm hùm đất con to khoảng hơn ngón tay, mỗi cân có từ 30 đến 35 con. Sau khi chế biến tôm có màu đỏ tươi rất bắt mắt, thịt bùi, béo, độ đạm cao, chắc và ngọt thịt.
Ngoài ra, người bán hàng còn giới thiệu kèm cả gói xốt và những lời mô tả hương vị vô cùng hấp dẫn như: món ăn lạ miệng, thịt thơm, dai, ngọt, giá bình dân, thân nhỏ nhưng thịt rất ngon, nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Tôm thường được chế biến theo phong cách Mỹ, mang các hương vị đặc trưng như: tôm hùm đất sốt kiểu Mỹ, nấu lẩu, ngô non, sốt bơ tỏi…
Những lời quảng cáo hấp dẫn, kèm theo cách chế biến
Anh Nguyễn Mạnh Hà, đường Hoàng Đình Giong, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Tôi thấy nhiều người khen ngon nên cũng mua về ăn thử. Khi đăng hỏi mua trên mạng xã hội thì có rất nhiều người vào mời chào mua hàng. Tôi mua loại tôm hùm đất đã được làm chín, tẩm ướp gia vị đầy đủ, về chỉ cần làm nóng lại là ăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tôm hùm đất là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đất, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao với môi trường. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Tôm hùm đất còn có khả năng thích nghi tốt với môi trường nên sẽ là mối đe dọa đối với các loại tôm đang thả nuôi ở Việt Nam.
Trước tình trạng tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên thị trường, ngày 17/5, Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn hỏa tốc số 3438/BNN-TCTS về việc tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất tại Việt Nam. Trong đó, bộ đề nghị các địa phương và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm đất đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên.
Tôm hùm đất sau khi được chế biến
Tại Lạng Sơn, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc buôn bán tôm hùm đất trên địa bàn. Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngày 20/5, Sở đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan triển khai các nội dung như: tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh không buôn bán tôm hùm đất; phổ biến về tác hại của loại tôm hùm đất đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Tôm hùm đất thuộc Phụ lục II, Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNN PTNT ngày 26-9-2013). Tôm hùm đất cũng không có tên trong Phụ lục VIII, Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 26/ 2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản”). Do vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. |
TRANG VÂN
Ý kiến ()