Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng hồi
LSO-Từ năm 2007, hoa hồi Lạng Sơn được cấp đăng bạ bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Để duy trì ổn định chất lượng hồi, công việc cần thiết là quản lý và kiểm soát chất lượng. Từ việc chú trọng tăng cường kiểm soát, hồi Lạng Sơn luôn đảm bảo các tiêu chuẩn, hàm lượng nên được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Công nhân Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn thực hiện kỹ thuật phơi hồi |
Chất lượng hồi Lạng Sơn được đánh giá là đứng đầu Việt Nam và ở tốp đầu thế giới. Sau khi được cấp đăng bạ bảo hộ CDĐL, hồi Lạng Sơn trở thành thương hiệu ngày càng nổi tiếng và được đông đảo khách hàng chủ yếu là các công ty trong nước và thị trường các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Tây Âu biết đến và sử dụng. Trung bình mỗi năm, cả tỉnh xuất khẩu hàng chục nghìn tấn hồi khô và trên 20 tấn tinh dầu hồi.
Hiện nay, hồi Lạng Sơn đang được tiến hành các bước xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng mang CDĐL tại châu Âu. Phát biểu tại cuộc làm việc giữa đại diện dự án EU – MUTRAP với Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn ngày 4/11/2015, bà Ester Olivas Cáceres – chuyên gia về CDĐL dự án cho rằng, người tiêu dùng rất kỳ vọng được đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm. Nếu hồi Lạng Sơn muốn được bảo hộ CDĐL tại châu Âu thì việc quan trọng nhất là phải luôn giữ được uy tín về chất lượng. Làm được như vậy thì các cấp, ngành chức năng cần thường xuyên kiểm soát quy trình sản xuất; các doanh nghiệp và hộ sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc bảm bảo chất lượng hồi được sản xuất ra.
Nhận thấy tầm quan trọng của chất lượng hồi, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm soát, quản lý chất lượng hồi. Trên cơ sở thời vụ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh tiến hành kiểm tra 2 cuộc/năm tại địa bàn 13 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh. Nội dung kiểm tra, kiểm soát được tập trung vào các hoạt động như: trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản, sản lượng thu hoạch, khảo sát thực tế tại một số hộ trồng hồi và lấy mẫu thử nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm của từng vụ. Từ năm 2013-2015, Chi cục kiểm tra 6 đợt, lấy 129 mẫu hồi (117 mẫu hoa hồi khô, 12 mẫu tinh dầu) để thử nghiệm hàm lượng tinh dầu trong hoa hồi khô, Trans-Anethol, độc tố trong tinh dầu hồi, hàm lượng nước, tro tổng.
Qua kiểm tra, lấy mẫu phân tích, hồi Lạng Sơn cơ bản đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định. Hoa hồi khô đều có màu đỏ tự nhiên, có mùi thơm đặc trưng; đảm bảo độ ẩm khoảng 8% (tiêu chuẩn là thấp hơn hoặc bằng 10%), hàm lượng tinh dầu đạt khoảng 11,8%, cá biệt có mẫu đạt 15,04% (tiêu chuẩn là bằng hoặc trên 8%). Tinh dầu hồi có màu vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng của Anethol, hàm lượng Trans-Anethol khoảng 89% (tiêu chuẩn là phải đạt mức tối thiểu 86%).
Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng hồi, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đã nâng cao nhận thức trong việc trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến đảm bảo hồi được xuất ra thị trường có uy tín, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Ông Nông Ngọc Tiên, thôn Đông B, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: “Nhà tôi trồng 600 cây hồi. Để hồi giữ được mùi vị, trong quá trình trồng, thu hái, phơi, sấy, ủ, tôi đều áp dụng quy trình sản xuất sạch, không lạm dụng hóa chất”. Ông Mai Hồng Phi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông – lâm sản Lạng Sơn cho biết: trong sản xuất, chế biến hồi, chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu và luôn giữ cam kết đảm bảo chất lượng với khách hàng. Nhờ đó sản phẩm hồi của công ty luôn được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu hàng chục tấn hồi khô và từ 10-20 tấn tinh dầu hồi đến các nước: Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia.
Để hồi Lạng Sơn mãi ngát hương, vươn đến nhiều quốc gia trên thế giới, thời gian tới, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hồi tiếp tục được tăng cường; các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh hồi cam kết tiếp tục đảm bảo chất lượng sản phẩm hồi.
HÀ MY
Ý kiến ()