Tăng cường kiểm soát hoa quả tươi nhập khẩu
LSO-Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, từ nay đến cuối năm, lượng hoa quả tươi nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn sẽ tăng cao. Do vậy, nhằm đảm bảo hoa quả nhập vào thị trường trong nước không có chất bảo quản, chất tồn dư độc hại, lực lượng hải quan và kiểm dịch thực vật đã tăng lượng kiểm tra thực tế đối với mặt hàng này.
Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh kiểm hóa hoa quả nhập khẩu qua cửa khẩu |
Hơn 10 tháng đầu năm 2017, đã có gần 480 nghìn tấn hoa quả tươi (gần 17 nghìn lô hàng) nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn. Đây là mặt hàng có thuế suất 0%, do vậy, thủ tục thông quan thường nhanh chóng, tuy vậy, trên thực tế có một số lô hàng phải tái xuất vì chất lượng không đảm bảo yêu cầu.
Cụ thể, tại cửa khẩu Tân Thanh – nơi có đến 90% lượng hoa quả nhập khẩu qua địa bàn, từ tháng 9 đến trung tuần tháng 10/2017, đã có 2 lô hàng hoa quả tươi buộc phải tái xuất vì không đảm bảo điều kiện nhập khẩu.
Ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Trung bình mỗi ngày có từ 150 đến 200 tấn hoa quả được nhập khẩu qua cửa khẩu, chủ yếu là táo, lê, cam, quýt… Đối với những lô hàng hoa quả tươi nhập khẩu, lực lượng hải quan sẽ kiểm soát về xuất xứ, địa chỉ cụ thể vườn trồng, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để các cơ quan chức năng của Việt Nam tiện quản lý, truy xuất nguồn gốc, chất lượng trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, để được thông quan vào Việt Nam, doanh nghiệp nhập bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn, không có mầm bệnh, dịch hại cũng như hóa chất độc hại. Nếu phát hiện lô hàng nào không đảm bảo, lực lượng hải quan sẽ giữ lại và buộc tái xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, bất cứ lô hàng hoa quả nhập khẩu nào sau khi kiểm tra mà phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản độc hại, chi cục sẽ không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đồng thời thông báo cho lực lượng hải quan để buộc tái xuất lô hàng đó. Ngoài ra, chi cục sẽ phối hợp với Cục Kiểm nghiệm, khảo nghiệm Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) để truy xuất nguồn gốc lô hàng có hóa chất tồn dư.
Được biết, thời điểm này, khi lượng hoa quả tươi nhập khẩu bắt đầu tăng cao hơn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII đã tăng tần suất kiểm tra đối với các loại hoa quả nhập khẩu. Hiện nay, tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, cán bộ kiểm dịch tăng lượng kiểm tra thực tế. Cụ thể, trong kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu, tất cả các lô hàng hoa quả nhập khẩu đều được lấy mẫu kiểm dịch với tỷ lệ từ 10 đến 20%; đặc biệt, nếu loại hoa quả nào mà phát hiện chất độc hại thì loại hoa quả đó sẽ phải lấy mẫu theo tỷ lệ 30%. Tuy vậy, công tác kiểm dịch hoa quả nhập khẩu tại các cửa khẩu cũng gặp những khó khăn. Thực tế, quy định kiểm tra chỉ áp dụng được với các lô hàng nhập qua đường chính ngạch, còn việc buôn bán, trao đổi giữa các cư dân biên giới đối với mặt hàng hoa quả nếu qua đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, hoa quả được nhập về không có hợp đồng rõ ràng, cụ thể, quy định lỏng lẻo nên thiếu ràng buộc trách nhiệm. Nguy cơ chất lượng sản phẩm không an toàn tại thị trường nội địa vẫn có thể xảy ra. Theo các cán bộ kiểm dịch của Chi cục Kiểm dịch, khi tiêu dùng, người tiêu dùng nên hỏi kỹ về xuất xứ, cùng đó là chú ý đến vụ mùa của loại hoa quả đó. Nếu loại hoa quả đó là trái vụ thì người tiêu dùng không nên mua, vì lúc đó, nguy cơ hoa quả tồn dư thuốc bảo quản rất có thể xảy ra.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm dịch sẽ sử dụng các thiết bị thử nhanh để kiểm tra định tính hóa chất trên hoa quả nhập khẩu, có thể cho kết quả nhanh từ 1 đến 2 giờ. Điều này vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện ra hoa quả “bẩn”.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()