Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm hồi
Công nhân Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn phân loại hoa hồi trước khi xuất khẩu |
Từ năm 2013 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh lấy gần 150 mẫu sản phẩm hồi (hoa và tinh dầu hồi) để phân tích, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng. Kết quả, các mẫu đều có hàm lượng nước, hàm lượng tro tổng hợp, hàm lượng tinh dầu trong hoa khô, hàm lượng Trans-Anethol và độc tố trong tinh dầu hồi đảm bảo các chỉ số quy định. Hiện nay, chất lượng hồi Lạng Sơn được đánh giá là đứng đầu Việt Nam và ở tốp đầu thế giới.
Ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh cho biết: Những năm gần đây, hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm hồi được quan tâm thực hiện và dần đi vào nền nếp. Trên cơ sở thời vụ, chi cục tiến hành 2 cuộc kiểm tra/năm tại địa bàn các huyện có hồi được bảo hộ CDĐL. Nội dung kiểm soát được tập trung vào các việc trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản, sản lượng thu hoạch, khảo sát thực tế tại một số hộ trồng hồi và lấy mẫu thử nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm của từng vụ.
Việc lấy mẫu được dựa trên các yêu cầu về cảm quan. Đối với hoa hồi khô thì lấy mẫu hoa hồi có từ 6-8 cánh hoặc 13 cánh đều và rời nhau. Các cánh hình thoi xếp tỏa tròn thành hình sao hay hình nan hoa có màu nâu sẫm, phần dính vào cuống rộng bản và dẹt, đầu có mũi nhọn ngắn và thẳng; nứt ở mặt trên; hạt hình trứng, nhẵn bóng, màu nâu; hoa hồi có mùi thơm đặc trưng. Với tinh dầu hồi, việc lấy mẫu ở thể lỏng có màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng. Sau khi các mẫu sản phẩm hồi được lấy sẽ được phân tích, đánh giá về chất lượng.
Để hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm hồi đảm bảo yêu cầu, việc lấy mẫu sản phẩm được thực hiện vào đúng vụ hoa hồi và lấy ngẫu nhiên tại các xã có sản phẩm hồi được bảo hộ. Mẫu hoa hồi được lấy ngẫu nhiên tại các hộ dân trồng hồi thuộc địa bàn 12 xã thuộc các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Cao Lộc. Mẫu tinh dầu thường được lấy tại 1 cơ sở chưng cất tinh dầu hồi thuộc huyện Văn Quan và Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng).
Hoạt động kiểm soát sản phẩm hồi không đơn thuần chỉ là lấy mẫu phân tích chất lượng, Chi cục TCĐLCL còn phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm cho các tổ chức, hộ dân trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh hồi. Qua đây các tổ chức, hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh hồi thuộc vùng được bảo hộ trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định quản lý và sử dụng nhãn hiệu, CDĐL đã được bảo hộ, đảm bảo hồi xuất ra thị trường đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt các hộ trồng hồi đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hoặc cải tạo rừng hồi năng suất thấp để nâng cao năng suất, chất lượng hoa hồi.
Chị Nông Thị Hòa, thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia cho biết: Qua các đợt tham gia tập huấn, được kiểm tra, chúng tôi biết mình là những người hưởng lợi trực tiếp của việc sử dụng nhãn hiệu CDĐL “Lạng Sơn” cho sản phẩm hồi. Quả hồi xấu, không có mùi thơm đặc trưng thì giá bán thấp sẽ thiệt hại cho gia đình. Vì thế, gia đình tôi áp dụng kỹ thuật canh tác theo quy trình để sản phẩm hồi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhiễm hóa chất và mẫu quả luôn vàng, đẹp khi đem bán.
Lạng Sơn có trên 35.000 ha hồi. Trung bình mỗi năm, cả tỉnh thu được khoảng 57.000 tấn quả hồi tươi, trên 10.000 tấn quả hồi khô, trên 20 tấn tinh dầu hồi, đem lại giá trị thu nhập khoảng 600 tỷ đồng. Hiện, sản phẩm hồi được cung cấp trong nước và xuất khẩu đến thị trường các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Tây Âu. |
Ý kiến ()