Tăng cường kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm
Thực tế, gần mười năm trước, từ khi các loại mũ bảo hiểm (MBH) “biến tướng” xuất hiện và “làm mưa làm gió” trên thị trường, rất nhiều chính sách đã được ban hành, bổ sung nhằm ngăn chặn tình trạng này nhưng hiệu quả đem lại vẫn còn hạn chế. Do đó, để thật sự lành mạnh hóa được thị trường này phải có những hoạt động kiểm soát cụ thể, mạnh mẽ hơn, tránh lặp lại vết xe đổ của những cách làm “đầu voi, đuôi chuột” từng diễn ra trước đó.
“Ðá ném ao bèo”
Trong bối cảnh MBH không đạt chuẩn, MBH “rởm” ngày càng lộng hành, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT về “Quy định sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp máy” ra đời với hy vọng trở thành giải pháp toàn diện để “trong sạch hóa” thị trường MBH vốn đầy nhốn nháo. Nhằm triển khai Thông tư này, đầu năm 2013, Cục Quản lý thị trường (QLTT) cùng Chi cục QLTT Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra các khu vực bán MBH tại sáu quận, huyện của Thủ đô và trong ngày đầu ra quân đã tạm giữ hơn 1.000 MBH không có nhãn mác hợp quy, hợp chuẩn hoặc mũ có hình dáng tương tự MBH. Với diễn biến tương tự tại nhiều địa phương khác trên cả nước, đợt ra quân đã gây nên hiệu ứng mạnh mẽ, khiến giới kinh doanh MBH nhốn nháo tìm cách bán tống, bán tháo lượng mũ “rởm” còn tồn trữ. Nhiều cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng cũng phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, do lực lượng mỏng hoặc đã “thấm mệt”, các đơn vị QLTT trên cả nước bắt đầu rút quân và theo thời gian cũng dần “quên” luôn việc quản lý mặt hàng thiết yếu này. Vì vậy, MBH giả, mũ không đạt chuẩn lại tràn lan trên thị trường.
Trước tình trạng MBH không đạt chuẩn tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa, ngày 18-4-2014, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBATGTQG về việc ra quân xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh MBH; đồng thời triển khai đợt cao điểm xử lý hành vi đội mũ không phải MBH cho người đi mô-tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông từ ngày 1-7-2014. Trưởng phòng Kinh doanh Công ty MBH Chí Thành – Chita Trần Thuận Thành nhớ lại: Thông tin về đợt kiểm tra cao điểm đã gây tác động rất mạnh mẽ đến thị trường MBH, đồng thời cũng làm dấy lên hy vọng cho các nhà sản xuất MBH chân chính. Khoảng một tuần trước giờ “G”, MBH đạt chuẩn bắt đầu “cháy hàng”. Có cửa hàng mỗi ngày bán cả nghìn chiếc MBH chính hãng. Trước thực tế này, các doanh nghiệp đều đặt hết niềm tin vào hiệu quả của chính sách mới, lập tức lên kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư bên ngoài cũng bắt đầu dòm ngó đến mảnh đất tưởng chừng rất “màu mỡ” này. Tuy nhiên, tình trạng lại diễn biến rất nhanh theo hướng ngược lại. Dưới áp lực của dư luận cùng với những bất cập nội tại, việc xử lý vi phạm sử dụng MBH không đạt chuẩn đã “phá sản” và chuyển thành “nhắc nhở”. Thiếu chế tài, ý thức của người dân dần sụt giảm. Một lần nữa, những chiếc MBH đạt chuẩn nhưng cục mịch như chiếc “nồi cơm điện”, không đạt tiêu chuẩn về trọng lượng nhẹ, giá rẻ lại bị “lép vế” trước những chiếc mũ “rởm” mỏng nhẹ, thời trang và dễ sử dụng hơn nhiều. Có thể thấy, chính sách vì thiếu tính liên tục và quyết liệt rõ ràng chỉ như “đá ném ao bèo”, mỗi đợt ra quân chỉ tạo chút “gợn sóng” rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Cần siết chặt hơn nữa
Với quyết tâm một lần nữa siết chặt quản lý khâu sản xuất và kinh doanh MBH, Chính phủ đã đưa mặt hàng này vào danh mục ngành hàng “kinh doanh có điều kiện”. Nghị định 87/2016/NÐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh MBH cho người đi mô-tô, xe máy nêu rõ: “Trang thiết bị của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, bao gồm: Thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết); hoặc thiết bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu của các thiết bị nêu tại điểm này”. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này có khả năng cao mang lại đột phá cho cuộc chiến chống MBH kém chất lượng vì sẽ giúp loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn nhốn nháo, chuyên nhập linh kiện giá rẻ, kém chất lượng về để lắp ráp MBH. Ðồng thời, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp chân chính, có đủ nguồn lực và dây chuyền kỹ thuật sản xuất MBH đạt chuẩn. Nhưng, lại một lần nữa, dự thảo mới đây nhất của Nghị định thay thế Nghị định 87/2016/NÐ-CP lại được bổ sung những quy định “mềm dẻo hơn” theo hướng có lợi cho các DN sản xuất “linh kiện” MBH. Cụ thể, chấp nhận trường hợp doanh nghiệp chưa đầu tư trang bị thiết bị ép (đúc) để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp), chỉ cần trang bị khuôn mẫu có ký hiệu nhận dạng của doanh nghiệp và thuê doanh nghiệp khác gia công chế tạo lớp hấp thụ xung động.
Theo Câu lạc bộ MBH TP Hồ Chí Minh, đây rõ ràng là một “bước thụt lùi” trong quan niệm kinh doanh có điều kiện về sản phẩm MBH trong tình hình hiện nay. Chúng ta muốn “lành mạnh hóa” thị trường MBH nhưng đã nhiều năm vẫn chưa đạt được như ý muốn, MBH kém chất lượng vẫn bày bán đầy lề đường. Nguyên nhân do vẫn có một số cơ sở sản xuất MBH giả chỉ đi mua linh kiện về để lắp ráp cho nên không thể kiểm soát được chất lượng, dẫn đến một thị trường hỗn loạn. Do đó, nếu tiếp tục “châm chước”, giải quyết theo chiều hướng như trên cho một số doanh nghiệp không đủ năng lực kỹ thuật nhằm kiểm soát chất lượng, cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo hiện nay thì sẽ không giải quyết được vấn nạn MBH “rởm” theo như mong muốn.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ MBH TP Hồ Chí Minh Hồ Lê Phong chia sẻ: Việc đưa MBH thành ngành hàng kinh doanh có điều kiện là việc hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc đưa ra những quy định thực thi có hiệu quả, thể hiện sự nghiêm cẩn của chính sách là chuyện cần được các cơ quan quản lý bàn thảo kỹ lưỡng. Nếu chỉ bắt buộc những doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính phải chịu nhiều điều kiện ngặt nghèo, trong khi thiếu những biện pháp xử lý các doanh nghiệp sản xuất các loại mũ giả hay việc quy trách nhiệm cho các địa phương rất chung chung, để cho việc sản xuất và kinh doanh mũ giả công khai như đã và đang diễn ra thì việc đưa MBH vào ngành hàng kinh doanh có điều kiện sẽ không còn ý nghĩa.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất “chui” vẫn đưa ra thị trường những sản phẩm MBH kém chất lượng. Chiếc MBH có vai trò, tác dụng là vật dụng hữu ích để bảo vệ phần đầu của người đội trong trường hợp có tai nạn xảy ra, hạn chế có hiệu quả các chấn thương ở vùng đầu, nhất là chấn thương sọ não. Vì thế, sản xuất MBH dù ở bất kỳ hình thức nào cũng phải đầy đủ cơ sở vật chất như nhà xưởng, thiết bị máy móc, công nhân, cho nên việc quản lý của chính quyền địa phương về sản xuất MBH là cần thiết, nhất là trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, cần quy định trong Nghị định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất MBH, góp phần ngăn chặn các loại MBH kém chất lượng trên địa bàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()