tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/1996/8489d276df653fcc5bf7f87510c6ef8d_L.jpg” border=”0″ alt=”Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang được đẩy nhanh tiến độ.” /> Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD – CLCTGT) đang xúc tiến xây dựng đề án thành lập Trung tâm Giám định, kiểm định chất lượng các công trình xây dựng giao thông trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Việc làm này được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập về tiến độ, chất lượng và giá thành công trình, tạo hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Những năm qua, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước được Ðảng, Nhà nước quan tâm, có sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước. Bộ GTVT đã quản lý và hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác hàng nghìn km đường bộ; hàng trăm cây cầu đường bộ, đường sắt cùng nhiều cảng biển, cảng hàng không,… Công tác quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành công trình được ngành GTVT xác định là khâu quan trọng, then chốt trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng. Với sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhiều công trình giao thông đi vào khai thác bảo đảm được công năng sử dụng, không có sai sót lớn về mặt kỹ thuật và phát huy được hiệu quả kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình triển khai, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, một số gặp khiếm khuyết về chất lượng hoặc có sự cố kỹ thuật, gây bức xúc cho xã hội và không ít dự án sau khi hoàn thành bị “đội vốn” vượt tổng mức đầu tư ban đầu. Trong số này, có thể kể đến cầu Cần Thơ, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường Láng – Hòa Lạc,… Từ những khiếm khuyết ở các dự án này cho thấy, cần phải có giải pháp đồng bộ để khắc phục từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, lựa chọn tư vấn giám sát dự án có tính chuyên nghiệp, nghiêm khắc trong quản lý chất lượng. Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong quá trình thi công đóng vai trò then chốt, một trong các công cụ quan trọng để kiểm soát chất lượng là công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
Ðối với các dự án Bộ GTVT giao cho các cơ quan khác làm chủ đầu tư (các Tổng cục, Ban quản lý dự án, Tổng công ty, Sở GTVT…), chủ đầu tư trực tiếp thực hiện các khâu phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, tư vấn, vì vậy việc quản lý chất lượng đối với các dự án này gặp nhiều khó khăn đối với Cục QLXD – CLCTGT cũng như các vụ tham mưu của Bộ GTVT. Do đó, để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong quá trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư, cần thiết phải có tổ chức giúp việc cho Cục có đủ năng lực, công cụ thực hiện công việc này. Phó Cục trưởng QLXD – CLCTGT Phạm Tuấn Anh cho biết: Hiện nay, công tác quản lý, theo dõi, đánh giá tiến độ, chất lượng công trình của Cục chủ yếu dựa vào báo cáo của các cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư nên còn nhiều bất cập, chưa kịp thời, không đủ thông tin để tổng hợp, phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với các sai phạm về quản lý chất lượng trong quá trình thực hiện dự án của các chủ thể tham gia. Trong công tác kiểm định, đánh giá chất lượng công trình xây dựng còn phụ thuộc vào chủ đầu tư và tư vấn, do đó thiếu chủ động trong công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm soát kết quả kiểm định chất lượng. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Bộ trong công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng giao thông. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong quá trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư, cần thiết phải có tổ chức giúp việc cho Cục có đủ năng lực, công cụ thực hiện công việc này.
Trong một cuộc làm việc mới đây, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã nhấn mạnh: Cục QLXD – CLCTGT phải là cơ quan giúp Bộ kiểm soát toàn bộ về tiến độ, chất lượng công trình. Tuy nhiên, đơn vị này đang thiếu điều kiện và công cụ để kiểm soát độc lập chất lượng các công trình giao thông, nhất là trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, các chủ đầu tư đã được giao toàn quyền và chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý chất lượng công trình xây dựng. Do vậy, việc thành lập Trung tâm giám định, kiểm định chất lượng công trình xây dựng giao thông là cấp thiết. Trung tâm này sẽ có chức năng giúp việc cho Cục QLXD – CLCTGT tổ chức, thực hiện công tác kiểm định, giám định chất lượng, kiểm tra chứng nhận an toàn và chứng nhận chất lượng phù hợp theo quy định, đồng thời phục vụ nhiệm vụ quản lý của chủ đầu tư và quản lý chất lượng xây dựng công trình chuyên ngành GTVT. Theo đó, đơn vị này sẽ thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình đối với các dự án xây dựng giao thông do Bộ GTVT quản lý và do các cơ quan có thẩm quyền khác quản lý khi được yêu cầu, báo cáo số liệu và kết quả kiểm định để Cục QLXD – CLCTGT xem xét, đánh giá và kết luận. Cùng với đó, Trung tâm thực hiện công tác giám định chất lượng các dự án giao thông theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền, báo cáo số liệu và kết quả giám định để các cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá và kết luận; cung cấp thông tin về năng lực hoạt động các tổ chức tư vấn, kiểm định xây dựng giao thông để phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm định, giám định chất lượng theo yêu cầu của Bộ GTVT…
Năm 2013 tiếp tục được Bộ GTVT chọn là năm kỷ cương và tiến độ, chất lượng công trình giao thông. Trung tâm này ra đời, sẽ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm về chất lượng, hoàn thành chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng giao thông. Trên cơ sở đó, Trung tâm hoạt động ổn định, có hướng phát triển và mở rộng trong những năm tới. Sự ra đời của Trung tâm góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát, đánh giá sát thực tế chất lượng và chứng nhận các công trình giao thông đạt chất lượng, chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong hoạt động xây dựng.
Nhandan
Nhandan
Ý kiến ()