Tăng cường khám, chữa bệnh từ xa trong điều trị Covid-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 9/8 cả nước ghi nhận 9.340 ca mắc Covid-19, gồm 17 ca nhập cảnh và 9.323 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.556 ca trong cộng đồng.
Các địa phương có nhiều ca mắc là TP Hồ Chí Minh (3.991), Bình Dương (2.887), Đồng Nai (538), Tây Ninh (290), Long An (287), Tiền Giang (251), Bà Rịa – Vũng Tàu (242), Cần Thơ (98), Phú Yên (84)… Trong ngày, có 4.423 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 360 người chết tại TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, TP Cần Thơ, Bình Định, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Hà Nội, Khánh Hòa, Tây Ninh.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành về tăng cường sử dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Telehealth trong điều trị. Theo đó, chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa, phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.
Các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền… và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa.
Theo Bộ Y tế, sau 5 tháng triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19, đến ngày 8/8, cả nước đã tiêm được 10.393.025 liều, trong đó có 8.458.225 người đã được tiêm một liều vắc-xin và 967.400 người tiêm đủ hai liều. Một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc-xin chậm như Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang… Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt. Vắc-xin về đến đâu, các địa phương cần tiêm chủng ngay đến đó, tránh tình trạng vài chục nghìn liều vắc-xin nhưng tiêm cả tuần không xong. Các địa phương phải xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong tiêm chủng; phân công một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về công tác tiêm chủng vắc-xin. Địa phương nào chưa xây dựng kế hoạch tiêm chủng tổng thể đến tháng 4/2022, thì cần xây dựng ngay và trình UBND tỉnh phê duyệt để trên cơ sở đó, từng đợt vắc-xin nhận về triển khai tiêm chủng ngay. Các tỉnh, thành phố triển khai tiêm chậm, sau ngày 15/8 tiêm không hết lượng vắc-xin đã được phân bổ, Bộ Y tế sẽ điều chuyển cho các đơn vị khác.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã chấp thuận cho vắc-xin COVIVAC thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Đây là vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1, vắc-xin COVIVAC được thử nghiệm trên 120 người ở lứa tuổi từ 18-59 tuổi, chia thành bốn nhóm, tất cả đều dung nạp và đáp ứng miễn dịch tốt.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 10 đến 17/8, ngành y tế Hà Nội sẽ triển khai lấy 300 nghìn mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đối tượng nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao tại 30 quận, huyện, thị xã. Đối tượng lấy mẫu, gồm: Người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao (thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân phố), nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh; nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh (người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, công nhân các khu công nghiệp)… Liên quan đến ổ dịch tại công trình xây dựng Bệnh viện đa khoa Hà Đông, kết quả xét nghiệm RT- PCR đối với tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, nhân viên của các công ty thuê ngoài làm việc tại bệnh viện, các hộ dân xung quanh bệnh viện… đều âm tính với vi-rút SARS-CoV-2.
Từ 0 giờ ngày 9/8, tỉnh Đồng Tháp kết thúc cách ly y tế Bệnh viện đa khoa Sa Đéc và chuyển sang trạng thái tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ trung bình và nặng. Trước đó, sau khi ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc vào ngày 24/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã quyết định thiết lập cách ly y tế tạm thời đối với toàn Bệnh viện đa khoa Sa Đéc để phòng, chống dịch Covid-19.
Sáng 9/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức xuất hành chuyến hàng hỗ trợ 5 tỉnh, thành phố phía nam, gồm 6 tỷ đồng và 100 nghìn khẩu trang y tế để chống dịch Covid-19. Cụ thể, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh 2 tỷ đồng và 100.000 khẩu trang y tế; hỗ trợ TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Đây là số tiền được trích từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Ngày 9/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Châu Đốc, An Giang đã lập biên bản về hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch và đưa đi cách ly tập trung đối với Dương Văn Nhã, Dương Thị Kim Thúy cùng ngụ huyện An Phú (An Giang). Thời gian gần đây, dù đóng cửa biên giới và toàn tỉnh An Giang thực hiện giãn cách xã hội nhưng cả hai đối tượng thường dùng thuyền máy lén chạy đến khu vực biên giới ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc thu mua thủy sản của tiểu thương Campuchia để bán lại cho tiểu thương TP Châu Đốc.
Ngày 9/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng có thông báo về việc xử lý kỷ luật đối với ông Trần Vinh, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Đà Nẵng. Theo đó, ông Trần Vinh bị Công an quận Sơn Trà ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do đã thực hiện hành vi “xâm hại sức khỏe của người đang thi hành công vụ” và Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do có hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin báo chí theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ. Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng ủy cơ quan Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố đã thi hành kỷ luật đối với ông Trần Vinh, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng ủy cơ quan Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố bằng hình thức Cảnh cáo. Thường trực HĐND thành phố đã thi hành kỷ luật bằng hình thức “Giáng chức” Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố đối với ông Trần Vinh. Trước đó, ngày 1/8, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, ông Vinh đã đánh một nữ kỹ thuật viên y tế vì cho rằng nhân viên này lấy mẫu sai quy trình, cố ý làm ông bị đau.
Ý kiến ()