Tăng cường kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng xác định cơ sở dữ liệu chính là một trong những yếu tố then chốt góp phần chuyển đổi số thành công. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm thông suốt, an toàn.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, dữ liệu được coi là yếu tố sản xuất quan trọng của nền kinh tế. Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất, do đó việc khai thác hiệu quả dữ liệu sẽ tạo thêm nhiều giá trị cho ngành ngân hàng nói riêng và các ngành, các hoạt động của nền kinh tế nói chung.
Hoàn thiện hệ thống thanh toán
Thực tế những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác chỉnh sửa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển tiện ích thanh toán điện tử. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành chiến lược thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2030; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào tháng 1/2024 và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang khẩn trương rà soát để ban hành các thông tư hướng dẫn đối với những quy định mới theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và theo Nghị định 52, đồng thời bảo đảm tương thích theo những quy định khác của pháp luật. Song song với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm thông suốt, an toàn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày. Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%.
Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức mã QR đạt hơn 170%. “Hiện đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Những kết quả trên cho thấy việc chuyển đổi số ngành ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.
Bảo đảm khai thác dữ liệu an toàn, hiệu quả
Những kết quả bước đầu trên lộ trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng phần nào cũng cho thấy sự tiên phong đi đầu của hệ thống trong việc tạo lập dữ liệu. Trong giai đoạn tiếp theo của lộ trình, sẽ là thúc đẩy các tổ chức tín dụng chuyển đổi số gắn với việc khai thác dữ liệu hiệu quả và triển khai dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, ngày 15/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng, ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này, trong đó, có thông tư về thẻ có nhiều điểm mới, thí dụ liên quan đến câu chuyện về thẻ eKYC (phương pháp định danh xác thực khách hàng điện tử) mà nhiều người lo ngại.
“Chúng ta không ngăn cấm ai. Tuy nhiên, có thẻ CCCD gắn chíp, ngân hàng xác thực được thì được mở thẻ eKYC, còn nếu không có thì ra quầy giao dịch. Giống như chúng ta đi lên đường cao tốc, nếu có thẻ thu phí không dừng thì được đi vào làn không dừng, nếu thanh toán tiền mặt thì phải chịu chậm hơn một chút. Trên thực tế, Bộ Công an công bố là hầu hết công dân đủ điều kiện đã được cấp thẻ CCCD gắn chíp rồi cho nên không có lý do gì ngân hàng không bổ sung quy định này”, ông Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thêm, từ ngày 1/7, để ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, các ngân hàng áp dụng chính sách giao dịch hơn 10 triệu đồng thì phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu từ CCCD gắn chíp do Bộ Công an cấp. Trường hợp này để tránh việc thuê mượn tài khoản cũng như người dân kiểm tra, rà soát lại thông tin tài khoản.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an cũng cho hay: Với việc cấp 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp, thu nhận hơn 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt hơn 53,88 triệu tài khoản, đã có 8 tiện ích của người dân với 29,4 triệu lượt người truy cập ứng dụng VNeID. Sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục công bố và đưa vào khai thác 14 tính năng mới trên VNeID, trong đó có nhiều tính năng liên kết với ngành ngân hàng, tiến tới đưa tài khoản định danh điện tử VNeID trở thành phương thức duy nhất để thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai việc ứng dụng dữ liệu dân cư, đối với ngành ngân hàng, cũng bộc lộ một số khó khăn cần tháo gỡ. Đó là, việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống trong triển khai các dịch vụ hoàn toàn trên môi trường điện tử là một thách thức không nhỏ khi hạ tầng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa dự báo, xây dựng các phương án bảo vệ hệ thống, dữ liệu trước nguy cơ tấn công ngày càng gia tăng như thời gian vừa qua đối với các hệ thống lớn (chứng khoán, dầu khí,...).
Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông,... trong việc giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu khách hàng, người dân, doanh nghiệp,...
Do đó, Bộ Công an cũng đề nghị ngành Ngân hàng cần khẩn trương chỉ đạo các đơn vị hoàn thành số hóa, làm sạch dữ liệu với hơn 170 triệu dữ liệu tài khoản ngân hàng và ví điện tử (mới làm sạch được khoảng 5,5 triệu/170 triệu), phục vụ xác thực, kết nối, khai thác với dữ liệu “gốc” là dữ liệu về dân cư, căn cước, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt... gắn với dữ liệu viễn thông, thuế, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số được tạo lập thống nhất giữa các bộ, ngành phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế.
Cùng với đó, về hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là vấn đề quan trọng, nhất là trong bối cảnh các hệ thống lớn liên tục bị tấn công, rủi ro về tài chính là vấn đề rất nghiêm trọng đối với việc phát triển kinh tế tại các quốc gia.
Đáng chú ý, thời gian tới ngành Ngân hàng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc triển khai cho vay tín chấp qua chấm điểm tín dụng công dân. Cũng theo số liệu từ Bộ Công an, hiện nay mới chỉ có 2 đơn vị tổ chức tín dụng, tài chính áp dụng kết hợp giải ngân 550 trường hợp với vay tín chấp khoảng 2,5 tỷ đồng. Con số này chưa thật sự tương xứng bởi nhu cầu vay trong dân là rất lớn. Do đó cần phải làm tốt vấn đề này nhằm góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.
Ý kiến ()