Tăng cường kết nối bốn nhà
LSO-Dự án “Sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cao Lộc” đã được triển khai hơn 90% theo hồ sơ phê duyệt. Việc kết nối “nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nước” đang được UBND huyện Cao Lộc tập trung thực hiện để phát huy hiệu quả của dự án.
Giám đốc HTX Rau củ quả sạch Gia Cát (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu quy trình
trồng rau hữu cơ với đoàn công tác của UBND tỉnh
Để nâng cao giá trị kinh tế và phát triển sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, tháng 12/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt dự án “Sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cao Lộc”. Đây là mô hình điểm trồng rau an toàn trong nhà lưới kết cấu khung thép với quy trình sản xuất áp dụng đúng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ tại địa bàn 2 xã: Tân Liên, Gia Cát. Tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện tại là gần 15 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ngay từ khi xây dựng mô hình, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo 2 xã thành lập hợp tác xã (HTX) để liên kết bà con nông dân, tích tụ ruộng đất và tạo dựng quy trình sản xuất chuyên nghiệp. Đến nay đã tập trung được 12 ha đất thuộc dự án, đạt kết hoạch đề ra. Đồng thời, xây dựng được 2 nhà lưới tổng diện tích gần 10.000 m2; 2 nhà sơ chế, đóng gói; nhà lưới sản xuất giống và hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa, nhỏ giọt trên diện tích 6 ha…
Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả, mô hình được xây dựng hoàn thiện đến đâu đưa vào khai thác đến đó. Cuối năm 2018, UBND huyện Cao Lộc đã chủ động mời chuyên gia của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đến tư vấn, hỗ trợ bà con xã viên trồng một số loại rau theo hướng hữu cơ tại 18 gian nhà lưới.
Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Rau củ quả sạch Gia Cát cho biết: Các loại giống rau được chuẩn bị kỹ theo danh mục phê duyệt, được gieo trong khay và sử dụng phân hữu cơ sinh học cao cấp HDT 18 của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Hiện tại, hợp tác xã đã trồng thành công các loại rau quả như: cà chua, rau cải ngọt hoa vàng, cải làn và cải nhíp, cà chua bi, xà lách Hàn Quốc theo đúng quy trình hướng dẫn. Cây trồng phát triển tốt và đã có một số loại cho thu hoạch như cải làn, cải ngọt hoa vàng.
Sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng thành công, để đảm bảo đầu ra, tháng 1/2019, UBND huyện Cao Lộc đã tạo điều kiện để Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Nông nghiệp xanh An Gia đến tìm hiểu và ký kết bao tiêu sản phẩm với HTX rau củ quả sạch Gia Cát. Trước mắt, công ty đã ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau quả. Sau 1 tháng gần 400 kg cải ngọt hoa vàng và cải làn đã được tiêu thụ ra thị trường với bao bì, nhãn mác, thương hiệu quy chuẩn.
Hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Nông nghiệp xanh An Gia và HTX rau củ quả sạch Gia Cát đang tiếp tục thống nhất danh mục sản phẩm bao tiêu tại các diện tích sản xuất mở rộng trong thời gian tới cũng như sản lượng cung ứng theo ngày. Trong đó, tập trung vào một số sản phẩm chính trong vụ xuân hè như: cà chua bi, dưa bao tử và xà lách Hàn Quốc.
Với sự hỗ trợ của nhà nước, việc kết nối giữa nhà nông – nhà khoa học và doanh nghiệp đã đưa mô hình rau an toàn phát triển tích cực, đúng hướng, đúng tiến độ đề ra. Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Việc đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất của dự án đến nay đã cơ bản hoàn thiện, phòng đang tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo việc xây dựng chuỗi sản xuất, trong đó nâng cao vai trò của từng chủ thể trong chuỗi. Trước mắt, UBND huyện tiếp tục làm việc với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để hướng đến ký kết hợp đồng hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rau hữu cơ tại dự án, đảm bảo chuyển giao đầy đủ quy trình sản xuất cho xã viên. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho bà con.
Dự án “Sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cao Lộc” được triển khai thành công sẽ là mô hình điểm để nhân rộng trên cả tỉnh với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản đặc trưng, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái – du lịch nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề để nông dân Lạng Sơn dần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật.
YÊN SƠN
Ý kiến ()