Tăng cường hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên
Trong những năm qua, công tác xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên ở nước ta đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời giúp thanh niên có việc làm ổn định, cải thiện đời sống, tăng thu nhập… Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh về lao động và việc làm ngày càng diễn ra mạnh mẽ, công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên cần được quan tâm hơn nữa.
Đại diện doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho các sinh viên tại Ngày hội tuyển dụng học sinh-sinh viên năm 2022 tổ chức ở Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ. (Ảnh TRUNG PHẠM) |
Mùa tuyển sinh năm nay, học nghề đang là lựa chọn được nhiều bạn trẻ ưu tiên. Điều này vừa là sự chuyển dịch phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận, lựa chọn định hướng nghề nghiệp của học sinh…
Với 28 điểm tổ hợp C00, việc em Phạm Ngọc Linh ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) không xét tuyển đại học, mà nộp hồ sơ để theo học tại Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ đã khiến không ít bạn bè và hàng xóm ngạc nhiên, bởi với số điểm đó, Linh hoàn toàn có thể đỗ nhiều trường đại học. Tuy nhiên, từ trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, Linh đã dành thời gian tìm hiểu về các trường đại học, cao đẳng và cơ hội việc làm sau khi ra trường của các ngành, nghề đào tạo. Bố mẹ làm nông nghiệp cho nên yếu tố chi phí học tập cũng chi phối đến việc chọn trường của Linh.
Sau khi tìm hiểu và được sự tư vấn của bạn bè, Linh quyết định nộp hồ sơ xét tuyển học ngành Điều dưỡng của Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ. Với tổng điểm học bạ ở bậc THPT ba môn Toán-Hóa-Sinh (tổ hợp B00) 24,5, Linh đã nhận được giấy báo trúng tuyển. “Thời gian học Điều dưỡng hệ cao đẳng chỉ ba năm, học phí theo quy định; nhà trường còn hợp tác với nhiều công ty đào tạo ngoại ngữ miễn phí để sinh viên có cơ hội học tập và làm việc tại các nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc sau tốt nghiệp, cho nên em quyết định theo học ngành Điều dưỡng”, Phạm Ngọc Linh chia sẻ.
Tương tự như Linh, bạn Nguyễn Quang Hiếu ở xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào chuyên ngành Cơ điện tử của Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội dù đạt số điểm tương đối cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Lý giải về lựa chọn của mình, Hiếu cho biết: “Nhà em có ba anh em đều đang đi học; bố em làm nông, mẹ ở nhà nội trợ, cho nên em chọn học cao đẳng nghề có học phí thấp hơn, lại nhanh tốt nghiệp để được đi làm. Học đại học thì thời gian lâu, học phí cao, bố mẹ sẽ phải vất vả hơn để lo chi phí học hành.
Em tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ, thấy nhiều người dù không theo học đại học, nhưng nếu nỗ lực thì vẫn có được thành công. Bây giờ học cao đẳng dễ tìm việc, ngành Cơ điện tử em chọn cũng đang cần nhiều lao động, cho nên em hoàn toàn yên tâm với lựa chọn của mình”. Thực tế, Phạm Ngọc Linh và Nguyễn Quang Hiếu chỉ là hai trong số rất nhiều bạn trẻ có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, nhưng đã chủ động chọn học các trường nghề (cao đẳng, trung cấp).
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 1/3 thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã không đăng ký nguyện vọng vào đại học. Theo các chuyên gia, hiện tượng này là bình thường khi học phí đại học tăng cao và xu hướng học nghề phổ biến. Số liệu của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (đơn vị quản lý các trường cao đẳng, trung cấp) cũng cho thấy, đến hết tháng 8/2022, các trường tuyển được gần 163 nghìn sinh viên. Trong số này, nhiều em có kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao.
Liên quan vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng việc một bộ phận thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại đăng ký vào học các trường cao đẳng, trung cấp nghề đang dần trở thành xu hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Cơ chế đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề ngày càng phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; nhiều ngành nghề, sau khi ra trường, người học có thể có việc làm luôn.
Nhiều cơ sở đào tạo nghề còn đưa ra những cơ chế như cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp (nếu không có việc làm, cơ sở sẽ trả lại học phí cho người học); cam kết hỗ trợ người học xuất khẩu lao động theo nhu cầu, do nhà trường thiết lập. Trong quá trình học tại trường sẽ được các doanh nghiệp khảo sát, thẩm định và ký hợp đồng tuyển dụng. Đây chính là một trong những yếu tố tạo nên sức hút và củng cố niềm tin cho người học.
Thực tế, chính sách đào tạo nghề cho sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho thanh niên, ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.
Tuy nhiên, với xu thế thị trường phát triển nhanh, đa dạng và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong lao động hiện nay, việc hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết do việc nâng cao chất lượng lao động và định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên còn nhiều hạn chế; cơ cấu đào tạo lao động thanh niên chưa hợp lý, chưa có sự phân luồng giữa ngành nghề dẫn đến thừa thầy, thiếu thợ; công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động; hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên chưa hiệu quả. Công tác dự báo thị trường lao động còn hạn chế.
Nhiều thanh niên và sinh viên ra trường còn thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc thực tế tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi về vay vốn tạo việc làm cho thanh niên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thật sự hấp dẫn.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong giải quyết việc làm bền vững cho thanh niên. Do vậy, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, các ngành chức năng cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm của Trung ương Đoàn thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.
Phối hợp các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo; tổ chức các phiên giao dịch việc làm vệ tinh xuống khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi cho lao động nông thôn tiếp cận các thông tin việc làm trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để định hướng cho công tác đào tạo cũng như lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên, thanh niên, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm.
Xã hội hóa giải quyết việc làm cho thanh niên với các hình thức, phương thức đa dạng, linh hoạt nhằm huy động tối đa nguồn lực của cộng đồng, xã hội cùng nhà nước tạo nhiều việc làm cho thanh niên. Đồng thời, tích cực huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên; đầu tư ngân sách để mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phổ cập nghề cho thanh niên. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, nhất là các nghề kỹ thuật cao. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên ■
“Để thật sự là lựa chọn tin cậy của thí sinh và cha mẹ học sinh, các trường trung cấp, cao đẳng nghề cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Thực hiện tốt phương châm gắn nhà trường với doanh nghiệp, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để gia tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp…”. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Chuyên gia Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội |
Ý kiến ()