Tăng cường hợp tác với Australia trong xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tiếp bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam |
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam, nhất là đối với quá trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Từ năm 2018 đến nay, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, VPCP và Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Australia đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong cải cách chính phủ điện tử, xây dựng chiến lược lãnh đạo và khả năng hội nhập quốc tế.
Thông qua Chương trình đối tác chiến lược với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia đã hỗ trợ VPCP để có những chuyên gia giỏi xây dựng hệ thống e-Cabinet, Khung theo dõi và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17/NQ-CP; các hội thảo phục vụ xây dựng Nghị quyết số 17/NQ-CP chính phủ điện tử và Cổng DVCQG; nhiều đoàn công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển chính phủ điện tử…
Thông tin một số kết quả đạt được của Việt Nam về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ năm 2018 đến nay, đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được: 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm chi phí xã hội là hơn 18 triệu ngày công/năm tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
VPCP đã cùng làm việc với các bộ, ngành đưa ra phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu…
Về Chính phủ điện tử, Trục liên thông văn bản quốc gia vận hành từ tháng 3/2019, đến nay, đã có hơn 2,1 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống e-Cabinet khai trương tháng 6/2019, đến tháng 7/2020 đã phục vụ 18 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 407 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành 64.000 phiếu giấy, hồ sơ, tài liệu kèm theo.
Cổng DVCQG khai trương tháng 12/2019, sau 7 tháng hoạt động đã tích hợp, cung cấp 750 dịch vụ công trực tuyến với hơn 49,6 triệu lượt truy cập, hơn 11,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 189.000 tài khoản đăng ký, trong đó trên 186.000 tài khoản của nhân dân; hơn 176.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng DVCQG; tiếp nhận, xử lý hơn 6,9 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 16,6 nghìn cuộc gọi.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng DVCQG đóng góp hơn 3.036 tỷ đồng/năm.
Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang được tích cực hoàn thiện, dự kiến sẽ khai trương trong tháng 8/2020.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có được những kết quả nổi bật nêu trên, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, còn có sự hợp tác, chia sẻ của bạn bè quốc tế, trong đó có Chính phủ Australia.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn Chính phủ Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tiếp tục quan tâm, có những hỗ trợ kịp thời cho VPCP cũng như các bộ, ngành trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, để có những sản phẩm, hệ thống hoàn thiện, chất lượng cao, đặc biệt là Cổng DVCQG; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp vụ của VPCP và các bộ, ngành có liên quan, hình thức tổ chức có thể tại Australia hoặc tại Việt Nam hoặc kết hợp trực tiếp và đào tạo từ xa (trực tuyến) theo chủ đề mà VPCP đề xuất…
Chúc mừng thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie đánh giá cao các biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đặt sự an toàn, sức khoẻ con người lên trên hết. Trong đó, công tác truyền thông đạt hiệu quả cao, đã nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh của người dân Việt Nam.
Bày tỏ ấn tượng về những kết quả đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam, bà Robyn Mudie cho rằng Chính phủ điện tử đã tạo sự minh bạch, niềm tin của người dân với Chính phủ và tạo đà cho sự phát triển sắp tới của Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Australia, bà Robyn Mudie cho biết Chính phủ Australia đã và đang thiết kế những dịch vụ công cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong thời gian tới, Australia tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử, tăng hiệu suất trong quản lý nhà nước.
Về những đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, bà Robyn Mudie cho biết, đó cũng là những ưu tiên của Chính phủ Australia, Đại sứ quán Australia. Trong thời gian tới, bà Robyn Mudie hy vọng có thể khôi phục lại những chuyến bay thương mại; Đại sứ quán Australia và VPCP tiếp tục đối thoại để cụ thể hóa những kế hoạch hợp tác sắp tới.
Ý kiến ()