Tăng cường hợp tác và đối thoại, vì hòa bình và phát triển của hai châu lục Á - Âu
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEM lần thứ 4 tại Hà Nội. - Trong hai ngày 5 và 6-11, tại Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, diễn ra hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9), chủ đề "Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng". Hội nghị đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEM, khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào nỗ lực duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác và sự gắn kết giữa hai châu lục quan trọng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung của tiến trình hợp tác ASEM và các sáng kiến của Việt Nam.Tám kỳ Hội nghị cấp cao của ASEM- Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEM 1 được tổ chức tại Băng-cốc (Thái-lan), tháng 3-1996, với chủ đề "Tạo dựng một quan hệ đối tác mới toàn diện Á - Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn". Đây là HNCC thành lập ASEM, diễn ra trong bối cảnh xu thế mạnh mẽ của toàn cầu hóa và kinh tế Đông Á phát...
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEM lần thứ 4 tại Hà Nội. |
– Trong hai ngày 5 và 6-11, tại Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, diễn ra hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á – Âu lần thứ 9 (ASEM 9), chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng”. Hội nghị đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEM, khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào nỗ lực duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác và sự gắn kết giữa hai châu lục quan trọng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung của tiến trình hợp tác ASEM và các sáng kiến của Việt Nam.
Tám kỳ Hội nghị cấp cao của ASEM
– Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEM 1 được tổ chức tại Băng-cốc (Thái-lan), tháng 3-1996, với chủ đề “Tạo dựng một quan hệ đối tác mới toàn diện Á – Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn”. Đây là HNCC thành lập ASEM, diễn ra trong bối cảnh xu thế mạnh mẽ của toàn cầu hóa và kinh tế Đông Á phát triển ở đỉnh cao. Quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa hai khu vực là cơ sở cho quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa châu Á và châu Âu để xây dựng một quan hệ hợp tác Á – Âu toàn diện.
– HNCC ASEM 2 diễn ra tại Luân Đôn (Anh), tháng 4-1998, trong bối cảnh châu Á đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ, chủ đề “Châu Á và châu Âu: Một quan hệ đối tác mới”. Thông qua văn kiện “Khuôn khổ hợp tác Á – Âu” (AECF), là cơ sở để chỉ đạo, tập trung và điều phối các hoạt động của ASEM. Nhóm viễn cảnh Á – Âu được thành lập, có nhiệm vụ xây dựng tầm nhìn trung đến dài hạn để giúp chỉ dẫn tiến trình ASEM tiến vào thế kỷ 21.
– HNCC ASEM 3 tổ chức tại Xơ-un (Hàn Quốc), tháng 10-2000, là một mốc quan trọng của tiến trình ASEM khi bước vào Thiên niên kỷ mới, chủ đề “Quan hệ đối tác vì phồn vinh và ổn định trong Thiên niên kỷ mới”. Văn kiện “Khuôn khổ hợp tác Á – Âu” (AECF) đã được bổ sung và thông qua, định ra viễn cảnh, các nguyên tắc, mục tiêu, ưu tiên, và cơ chế cho tiến trình ASEM trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
– HNCC ASEM 4 tổ chức tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch), tháng 9-2002, trong tình hình thế giới thay đổi sâu sắc sau vụ tiến công khủng bố 11-9 vào nước Mỹ, chủ đề “Thống nhất và lớn mạnh trong đa dạng”. Nội dung đối thoại chính trị được tập trung vào vấn đề khủng bố quốc tế và hợp tác chống khủng bố. Hợp tác kinh tế được coi trọng với việc thành lập Nhóm đặc trách về quan hệ đối tác kinh tế gần gũi để soạn thảo một chương trình thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa châu Á và châu Âu.
– HNCC ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam), tháng 10-2004, là mốc quan trọng trong hợp tác ASEM vì là HNCC đầu tiên của một ASEM mở rộng, với việc ba nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và mười thành viên mới của EU được kết nạp và tham dự HNCC ASEM 5. Với chủ đề “Tiến tới quan hệ đối tác Á – Âu sống động và thực chất hơn”, hội nghị đã thảo luận và thông qua “Tuyên bố của Chủ tịch”, “Tuyên bố Hà Nội về quan hệ kinh tế Á – Âu chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh” định hướng cho hợp tác ASEM trong tương lai.
– HNCC ASEM 6 tổ chức tại Hen-xinh-ki (Phần Lan), tháng 9-2006, chủ đề “10 năm ASEM: Thách thức toàn cầu – ứng phó chung”. HNCC nhìn lại mười năm hợp tác đã qua và định hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo; dành nhiều quan tâm các vấn đề an ninh năng lượng, thay đổi khí hậu. Hội nghị đã đưa ra ba văn kiện là Tuyên bố của Chủ tịch, Tuyên bố Hen-xinh-ki về Tương lai ASEM, Tuyên bố Hen-xinh-ki về thay đổi khí hậu.
– HNCC ASEM 7 tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 10-2008, là mốc đánh dấu đợt mở rộng ASEM lần thứ hai với việc kết nạp thêm sáu thành viên mới là: Ấn Độ, Mông Cổ, Pa-ki-xtan, Ban Thư ký ASEAN, Bun-ga-ri và Ru-ma-ni. Với chủ đề “Tầm nhìn và hành động: Hướng tới các giải pháp cùng có lợi”, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề tài chính kinh tế thế giới, tình hình an ninh khu vực, các vấn đề toàn cầu, phát triển bền vững, đối thoại văn hóa văn minh và các lĩnh vực hợp tác khác của ASEM. Ngoài Tuyên bố của Chủ tịch, HNCC còn ra tuyên bố riêng về “Tình hình tài chính thế giới” và “Tuyên bố Bắc Kinh về phát triển bền vững”.
– HNCC ASEM 8 được tổ chức tại Brúc-xen (Bỉ), tháng 10-2010, với chủ đề “Chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân”. HNCC chứng kiến đợt mở rộng lần thứ ba của ASEM với việc Nga, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân chính thức được kết nạp thành Nhóm thứ ba tạm thời; tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng của thế giới như tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế – tài chính toàn cầu, phát triển bền vững và các vấn đề khu vực khác. Hội nghị đã thông qua hai văn kiện chính là Tuyên bố của Chủ tịch và Tuyên bố về tăng cường quản trị kinh tế toàn cầu.
– HNCC ASEM 9, tổ chức tại Viêng Chăn (Lào), tháng 11-2012 với chủ đề “Bạn bè vì hòa bình – Đối tác vì thịnh vượng”. Những dấu ấn của HNCC ASEM 9 sẽ là đợt mở rộng ASEM lần thứ tư, việc giải tán Nhóm thứ ba tạm thời để Nga, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân gia nhập Nhóm châu Á và Mi-an-ma lần đầu tham dự ở cấp tổng thống.
Các sáng kiến của Việt Nam trong ASEM
Là một trong số 26 thành viên sáng lập của ASEM, trong suốt 16 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cụ thể trên cả ba trụ cột hợp tác của ASEM. Đến nay, nước ta đã chủ trì đề xuất 16 sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ hàng chục sáng kiến trong ASEM. Các sáng kiến của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu không ngừng phát triển, sống động, thiết thực và hiệu quả hơn, gồm:
1. Cuộc họp chuyên viên ASEM về “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa” (tháng 1-1999).
2. Hội thảo ASEM về “Kết hợp y dược học cổ truyền và y dược học hiện đại trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (tháng 3-1999).
3. Hội thảo Á – Âu về “Di sản văn hóa, Con người và Du lịch” (tháng 11-2001).
4. Hội thảo ASEM về “Kết hợp y dược học cổ truyền và y dược học hiện đại trong việc điều trị một số bệnh khó” (tháng 12-2000).
5. Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin ASEM về “Hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nhân lực và củng cố năng lực” (tháng 12-2006).
6. Diễn đàn ASEM về chính sách an ninh năng lượng (tháng 4-2008).
7. Diễn đàn ASEM “Tăng cường quan hệ đối tác du lịch Á – Âu vì phát triển du lịch bền vững” (tháng 9-2008).
8. Hội thảo ASEM về “Tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM thông qua các hoạt động văn hóa” (tháng 4-2009).
9. Hội thảo ASEM cấp Tổng Vụ trưởng về “Chia sẻ kinh nghiệm sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi” (tháng 11-2009).
10. Diễn đàn ASEM về “An ninh lương thực bền vững” (tháng 7-2010).
11. Ngày Hải quan – Thương mại ASEM, và cuộc họp ASEM lần thứ tư Nhóm làm việc về các vấn đề hải quan (tháng 5-2010).
12. Thành lập Ban Thư ký ASEM về giáo dục (tháng 1-2010).
13. Hội thảo ASEM về “Vượt qua khủng hoảng – Định hình hợp tác phát triển” (tháng 4-2010).
14. Diễn đàn ASEM về “Thích ứng với biến đổi khí hậu” (tháng 9-2010).
15. Diễn đàn ASEM về Lưới an toàn xã hội (tháng 4-2011).
16. Diễn đàn ASEM về Tăng trưởng xanh (tháng 10-2011).
Kể từ sau Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEM 8 diễn ra tháng 10-2010 đến nay, nước ta đã triển khai thành công hai sáng kiến về “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội: Tăng cường hợp tác nhằm ứng phó các thách thức hậu khủng hoảng” và “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh”. Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEM lần thứ tư, diễn ra các ngày 25 và 26-10-2012, trong vai trò Chủ tịch và chủ trì các hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ đối tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”.
TÌM HIỂU
Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)
– Tháng 3-1996, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) chính thức thành lập theo sáng kiến của Xin-ga-po và Pháp với sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN). Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, Ủy ban châu Âu (EC) và Ban Thư ký ASEAN.
– Số lượng thành viên của ASEM tăng từ 26 khi thành lập lên 39, 45 và 48 qua các kỳ HNCC ASEM 5 (Hà Nội, Việt Nam, năm 2004), HNCC ASEM 7 (Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2008) và HNCC ASEM 8 (Brúc-xen, Bỉ, năm 2010). Tại HNCC ASEM 9 (Viêng Chăn, Lào, tháng 11-2012) sẽ kết nạp ba thành viên mới, gồm Băng-la-đét, Na Uy, Thụy Sĩ, nâng số lượng thành viên ASEM lên 51.
– Mục tiêu của ASEM là tạo dựng “một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á – Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn” và “tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.
– Theo “Khuôn khổ Hợp tác Á – Âu 2000” (AECF 2000), thông qua tại HNCC ASEM 2 (tháng 4-1998) và sửa đổi tại HNCC ASEM 3 (tháng 10-2000), ASEM hoạt động theo các nguyên tắc: Đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; Là tiến trình mở, tiệm tiến, không chính thức, không nhất thiết thể chế hóa; Quyết định trên cơ sở đồng thuận, không cam kết hay bỏ phiếu; Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại, hợp tác xác định các ưu tiên cho hoạt động phối hợp lẫn nhau; Triển khai đồng đều cả ba lĩnh vực hợp tác: tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực khác; Việc mở rộng thành viên được thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, qua hai bước: tại Nhóm (Á-Âu) và phiên họp toàn thể.
– Cấp quyết định chính sách là HNCC, gồm các vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của các quốc gia thành viên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN, họp hai năm một lần, luân phiên tại châu Á và châu Âu. Hội nghị quyết định phương hướng hoạt động, kết nạp thành viên mới; thông qua các vấn đề lớn và dài hạn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn.
– Về cơ chế hoạt động: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quan chức cấp cao (SOM) là kênh điều phối chung toàn bộ các hoạt động. Các Bộ trưởng kinh tế, tài chính, văn hóa và các lĩnh vực chuyên ngành nhóm họp trên cơ sở nhất trí của các thành viên.
– Cơ chế điều phối hoạt động thường xuyên: ASEM không thể chế hóa và không có Ban Thư ký thường trực. Bốn điều phối viên, gồm một thành viên thuộc ASEAN, một thành viên châu Á ngoài ASEAN, điều phối viên thường xuyên EC và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU (hiện là: Lào, Pa-ki-xtan, EC và CH Síp) đại diện cho khu vực mình, thu thập và cung cấp thông tin cho các thành viên, sơ bộ chuẩn bị cho các hoạt động chính hằng năm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()