Tăng cường hợp tác thanh tra lao động trong ASEAN
Tại Cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Thanh tra lao động ASEAN (ALICOM), các quốc gia thành viên đã cập nhật về tiến độ thực hiện các dự án và hoạt động trong Kế hoạch công tác của ALICOM. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng đề xuất 3 dự án sẽ triển khai trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự chương trình. (Ảnh: Molisa) |
Chiều 16/12, tại Hà Nội, Thanh tra lao động Việt Nam đã tham dự cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Thanh tra lao động ASEAN (ALICOM). Chương trình do Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đây là cuộc họp theo nghĩa vụ thành viên được các quốc gia ASEAN luân phiên tổ chức nhằm trao đổi và rà soát việc triển khai Kế hoạch làm việc của ALICOM giai đoạn 2022-2030. Đồng thời, tìm kiếm các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thanh tra lao động. Cuộc họp có sự tham dự của các trưởng đoàn phụ trách về thanh tra lao động của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác liên quan.
Sau một năm hoạt động, ALICOM đã thống nhất Chương trình làm việc của Ủy ban giai đoạn 2022-2030 với nội dung tập trung vào 4 nhóm vấn đề mà lực lượng thanh tra lao động ASEAN đang gặp phải. Đó là: Nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra viên; Tăng cường thanh tra khu vực phi chính thức và doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tăng cường thanh tra tại những lĩnh vực khó tiếp cận (tàu cá, lao động trẻ em, khai thác khoáng sản, lao động giúp việc gia đình…); Nâng cao năng lực của lực lượng thanh tra qua ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu suất thanh tra.
Tại Cuộc họp ALICOM lần này, các quốc gia thành viên ASEAN đã cập nhật về tiến độ thực hiện các dự án và hoạt động trong Kế hoạch công tác của ALICOM.
Theo đó, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội của Việt Nam đã trình bày về 3 đề xuất dự án dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là: Xây dựng Nghiên cứu so sánh về năng lực thanh tra lao động trong ASEAN; Xây dựng quy trình thanh tra lao động trong các lĩnh vực khó tiếp cận để giải quyết các vấn đề lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và vi phạm nghiêm trọng an toàn vệ sinh lao động; Kết nối hệ thống quản lý hồ sơ điện tử trong ASEAN để chia sẻ thông tin.
Tại Phiên họp mở, Ủy ban đã trao đổi với các đối tác truyền thống của ASEAN trong lĩnh vực lao động nói chung cũng như trong hợp tác thanh tra lao động nói riêng như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội Thanh tra Lao động quốc tế (IALI); Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Dự án về phòng, chống bóc lột trong nghề cá (ALFA). Các đối tác cũng chia sẻ về những hoạt động đã thực hiện trong giai đoạn vừa qua và lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tới, từ đó, đề xuất những hoạt động hợp tác với ALICOM.
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội của Việt Nam đã trình bày về 3 đề xuất dự án dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là: Xây dựng Nghiên cứu so sánh về năng lực thanh tra lao động trong ASEAN; Xây dựng quy trình thanh tra lao động trong các lĩnh vực khó tiếp cận để giải quyết các vấn đề lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và vi phạm nghiêm trọng an toàn vệ sinh lao động; Kết nối hệ thống quản lý hồ sơ điện tử trong ASEAN để chia sẻ thông tin.
Cuộc họp là dấu mốc quan trọng trong việc định hướng hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan thanh tra ASEAN với các đối tác trong và ngoài ASEAN cũng như đưa ra các hoạt động hợp tác cụ thể giữa các quốc gia ASEAN trong nhiều năm tới.
Dự kiến, cuộc họp lần thứ ba của ALICOM sẽ được Indonesia, với tư cách là Chủ tịch kế nhiệm, tổ chức trong năm 2023.
Trước đó, sau 10 năm hoạt động và hợp tác, Hội nghị thanh tra lao động ASEAN (ALIC) đã thống nhất việc ra mắt Ủy ban Thanh tra Lao động ASEAN trong năm 2021 do Brunei chủ trì tổ chức vào tháng 12 năm 2021 với thành viên đến từ các cơ quan thanh tra lao động của các quốc gia thành viên ASEAN.
Ủy ban có mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực khó tiếp cận cũng như giám sát việc triển khai thực hiện được Hội nghị thanh tra lao động ASEAN đưa ra. Đồng thời, các cuộc họp của Ủy ban tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin và các chiến lược về tăng cường việc tuân thủ chính sách và pháp luật về lao động liên quan đến điều kiện lao động và bảo đảm các quyền cho người lao động.
Theo thứ tự bảng chữ cái, vai trò chủ tịch Ủy ban sẽ do cho Campuchia đảm nhận trong giai đoạn 2022-2023.
Riêng tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2021, tổng số thanh tra viên, công chức thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội trên cả nước có 434 người. Trong năm 2021, thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội triển khai gần 2.100 cuộc thanh tra, tăng khoảng 1,77% so với năm 2020.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã ban hành 8.810 kiến nghị, 424 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 8,2 tỷ đồng; thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 175 tỷ đồng.
Ý kiến ()