Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng
Ngày 26-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp Bộ Tư pháp, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 với chủ đề "Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng". Tới dự, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Ngài Ghi-lét Le-vơ, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Các ý kiến phát biểu tại buổi đối thoại thống nhất cho rằng, năm 2014 Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong PCTN đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp, Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Công tác PCTN tiếp tục có tiến bộ theo hướng đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bảo đảm tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người trong đời sống chính trị, xã hội và kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013; tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCTN như: tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản thu nhập. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu, rộng. Vai trò của công dân, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp trong PCTN được tăng cường.
Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có tác dụng rõ rệt trong việc răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất 2010-2015; tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân chủ yếu do việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực kinh tế – xã hội vẫn còn chậm. Hiệu quả thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thấp. Việc tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời. Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp. Năm 2014, mặc dù giá trị tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đã tăng lên so với năm 2013 nhưng mới đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng. Việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác PCTN của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN rất rõ ràng. Ngay trong Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rất rõ về việc này. Chính phủ đã ban hành chiến lược về PCTN.Việt Nam cũng thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư PCTN do Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng làm Trưởng ban. Đồng thời, đã và đang hoàn thiện hệ thống các luật liên quan để góp phần PCTN…
Phó Thủ tướng chỉ rõ, công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, nhất là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp. Đồng thời đề nghị các ngành chức năng trong nước và các tổ chức quốc tế cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi, cung cấp thông tin, cùng nhau phân tích nguyên nhân của tham nhũng, nêu những điểm sáng quốc tế về PCTN và thu hồi tài sản để làm bài học cho Việt Nam. Từ đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nữa Công ước của Liên hợp quốc về PCTN.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()