Tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động trao đổi học thuật
Hội thảo khoa học quốc tế là diễn đàn khoa học ý nghĩa, nhằm tăng cường trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu tiếng Nga trong và ngoài nước, đặt nền móng cho việc hình thành nhóm nghiên cứu đa quốc gia với các dự án quốc tế; kết nối các cơ sở giáo dục, hợp tác xây dựng chương trình đào tạo liên thông các bậc học; góp phần phát triển quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đó là chia sẻ của TS. Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội tại lễ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế “Tiếng Nga và văn hóa Nga trong thế giới đương đại: các vấn đề nghiên cứu và giảng dạy cho người nước ngoài”, do Trường Đại học Hà Nội phối hợp cùng Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh (Liên bang Nga) tổ chức ngày 22-23/11.
Hội thảo là một trong những sự kiện trọng tâm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Tiếng Nga, đồng thời kỷ niệm dấu mốc quan trọng – 65 năm thành lập Trường Đại học Hà Nội.
Gần 260 triệu người sử dụng tiếng Nga trên toàn cầu
TS. Lương Ngọc Minh nhấn mạnh, tiếng Nga là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc, được gần 260 triệu người sử dụng trên toàn cầu. Với vị thế là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, tiếng Nga đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các quốc gia.
“Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Nga, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, năng lượng, dầu khí và quốc phòng, đã góp phần làm sống dậy sự quan tâm đến ngôn ngữ, giáo dục và khoa học Nga” – TS. Lương Ngọc Minh cho biết.
Trường Đại học Hà Nội, với bề dày 65 năm xây dựng và phát triển, tự hào là một cơ sở giáo dục đại học uy tín hàng đầu trong đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam. Khoa Tiếng Nga của Trường, một trong những khoa đầu ngành, đã góp phần quan trọng khẳng định vị thế của Trường trong nghiên cứu và đào tạo ngôn ngữ Nga tại Việt Nam và quốc tế.
Sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt – Nga, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, năng lượng, dầu khí và quốc phòng, đã góp phần làm sống dậy sự quan tâm đến ngôn ngữ, giáo dục và khoa học Nga
TS. Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội
Đồng quan điểm với TS Lương Ngọc Minh, GS.TS. Trupandina Elena Evgenhevna, Quyền Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Quốc Gia Voronezh, tái khẳng định, Tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ quốc tế, đứng thứ năm sau tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung và tiếng Pháp.
Theo bà, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của tiếng Nga với tư cách là ngôn ngữ quốc tế ngày càng trở nên quan trọng. Nghiên cứu tiếng Nga sẽ mở ra cho người học nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau - từ kinh doanh, khoa học đến văn hóa và nghệ thuật.
Ở Việt Nam, các thế hệ người Việt dành cho tiếng Nga và văn hóa Nga một sự quan tâm vô cùng đặc biệt. Việc biết tiếng Nga mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam, giúp họ tiếp cận thị trường lao động nói tiếng Nga và hội nhập văn hóa.
GS.TS. Trupandina Elena Evgenhevna cho biết, hiện nay, có hơn 3000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Nga, trong đó có hơn 2300 sinh viên được đào tạo theo diện Hiệp Định và được chi trả toàn bộ học phí.
Chia sẻ tại lễ khai mạc Hội thảo, ông Sloma Oleg Stanislavovich, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam, cho biết tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ chính thức của Cộng hòa Belarus, ngôn ngữ chính thức ở nhiều quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG và là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc.
“Cộng hòa Belarus có thể mang tới cho công dân Việt Nam và công dân các quốc gia khác trên thế giới một nền giáo dục rất chất lượng, bao gồm cả các chương trình đào tạo bằng tiếng Nga. Hiện nay chúng tôi đang duy trì thực hiện chương trình học bổng của Chính phủ. Trong khuôn khổ hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học chúng tôi hiện có các chương trình trao đổi sinh viên và giáo viên và thực hiện các các dự án chung.” - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam cho biết.
Tăng cường trao đổi học thuật và hợp tác giáo dục
Quyền Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Quốc Gia Voronezh, GS.TS. Trupandina Elena Evgenhevna nhắc lại, tháng 12 năm 2023, đoàn đại biểu Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh đã có chuyến công tác tại Việt Nam và ký kết thỏa thuận hợp tác và trao đổi học thuật với Khoa tiếng Nga trường Đại học Hà Nội, một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và là trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nga quan trọng trong cả nước.
Hội thảo quốc tế hôm nay là sự kiện đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai trường. Các giáo viên và nghiên cứu sinh từ các trường đại học Nga và Việt Nam sẽ trao đổi kinh nghiệm và đưa ra phương pháp giải quyết những vấn đề trong việc giảng dạy tiếng Nga và văn học Nga.
Bà Trupandina Elena Evgenhevna nhấn mạnh, hợp tác giữa Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh và Trường Đại học Hà Nội là một bước tiến đầy triển vọng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, bởi lẽ giáo dục đóng vai trò quan trọng, là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy trao đổi và hiểu biết văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Bà khẳng định, Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh sẽ tiếp tục tích cực phát triển mối quan hệ đối tác hiện nay nói chung và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ sở giáo dục nói riêng, góp phần quảng bá và phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nga tại Việt Nam, mở ra những chân trời mới cho sinh viên và tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
Khẳng định, Trường Đại học Hà Nội là đối tác tin cậy của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, ông Murashkin Vladimir Vladimirovich, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác LB Nga tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội, cho biết, Nhà trường luôn hợp tác và hỗ trợ Trung tâm tổ chức các sự kiện nhằm phổ biến, củng cố vị thế và quảng bá tiếng Nga và đào tạo tiếng Nga tại Việt Nam. Trường Đại học Hà Nội thường xuyên trở thành nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo.
Ông Murashkin Vladimir Vladimirovich nhấn mạnh, Hội thảo hôm nay có thể coi là ngày hội của những người nghiên cứu tiếng Nga, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Hội thảo khoa học quốc tế “Tiếng Nga và văn hóa Nga trong thế giới đương đại: các vấn đề nghiên cứu và giảng dạy cho người nước ngoài” do Trường Đại học Hà Nội phối hợp với Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronezh (Liên bang Nga) tổ chức, diễn ra trong hai ngày 22 và 23/11.
Hội thảo là diễn đàn học thuật giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giữa các giảng viên giảng dạy tiếng Nga và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Nga của Việt Nam và quốc tế. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trường Đại học Hà Nội.
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, nghiên cứu viên của các cơ sở giáo dục đại học và các trường THPT tại Hà Nội, của các cơ sở giáo dục đại học tại Liên bang Nga và các nước khác.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề như: Vai trò của tiếng Nga trên thế giới hiện nay; Nghiên cứu văn hóa và văn học Nga; Phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ; Xây dựng chương trình đào tạo tiếng Nga các bậc học; Biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy tiếng Nga; Đào tạo Biên - Phiên dịch; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga.
Ý kiến ()