Tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp
Chiều 12/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản tổ chức Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.
Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cùng tìm hiểu, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội đầu tư, liên doanh liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
|
Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản (Ảnh: BT) |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bước tăng trưởng vượt bậc từ 8,6 tỷ USD trong năm 2005 lên 30,8 tỷ USD năm 2014. Nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chiếm vị thế cao trên thị trường quốc tế như: thủy sản, gạo, cà phê, chè,…Trong đó, để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài (bao gồm các doanh nghiệp của Nhật Bản).
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp phải chịu nhiều thách thức lớn như thời gian cho vay ngắn, thời gian đầu tư dài, chịu nhiều rủi ro thiên tai,…Do vậy, việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư trực tiếp và tạo mối liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản là công tác quan trọng cần triển khai nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn, ông Đào Quốc Luân – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong nông nghiệp còn rất lớn. Cụ thể, về phía Việt Nam, tính đến nay, đã gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản. Thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng nông sản đều bằng 0% (trừ danh sách một số nông sản khác). Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm và có xu hướng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nhằm ổn định an ninh lương thực và cải thiện đời sông của nhân dân hai nước. Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đạt 230,3 triệu USD được dàn trải trên 34 dự án.
Cũng theo ông Đào Quốc Luân, để tăng cường đầu tư, liên kết hợp tác hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới tư duy kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới, trong đó, cần từ bỏ tư duy ỷ lại vào ưu đãi của nhà nước, chấp nhận cạnh tranh và quy luật đào thải của thị trường. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng mô hình quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm các chi phí trung gian trong sản xuất. Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong sản xuất và xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực thủy lợi, kết hợp cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt, phát điện,…
Về phía doanh nghiệp Nhật Bản, cần nghiên cứu thị trường, pháp luật Việt Nam và tham gia triển khai các FTA: ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản tại hai nước. Thêm vào đó, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nghiên cứu, tập trung đầu tư các lĩnh vực ưu tiên như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất giống,…
Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng đại diện Văn phòng xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện quy hoạch đất đai nhằm tạo điều kiện tích tụ ruộng đất trên diện tích rộng thực hiện cơ giới hóa; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa nông sản. Song song với đó, cần có cơ chế đảm bảo quyền sáng chế cho người nông dân; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đảm bảo an toàn các sản phẩm nông nghiệp bằng việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác, cần có mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương hai nước về các kỹ thuật canh tác nhằm thuận tiện khi triển khai các dự án. Đồng thời, về phía Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ về trang thiết bị, kỹ thuật, tăng cường nguồn nhân lực cho Việt Nam nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác trong ngành nông nghiệp giữa hai nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()