Tăng cường hợp tác khu vực nhằm thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Chính phủ Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác khu vực nhằm nâng cao sức khỏe và thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư trong khu vực ASEAN.
Sáng 26/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam, IOM và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về di cư và sức khỏe cho người di cư trong ASEAN.
Sự kiện thu hút hơn 160 lãnh đạo, chuyên gia và học giả trong và ngoài ngành y tế đến từ các nước thành viên ASEAN tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu thảo luận và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm nâng cao sức khỏe và thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư.
Hội thảo cũng kêu gọi tăng cường tổng hòa các hoạt động hợp tác để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư, đặc biệt là người di cư xuyên biên giới.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Hội thảo quốc tế về di cư và sức khỏe người di cư ASEAN là cơ hội tốt cho các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhận diện thực trạng và xu hướng di cư trong khu vực và thế giới, cũng như tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
“Chúng ta cần chia sẻ các bài học kinh nghiệm, sáng kiến và các mô hình chính sách của khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy và nâng cao sức khỏe của người di cư”, bà Hương nhấn mạnh.
Trưởng phái đoàn IOM, bà Park Mihyung, hoan nghênh sự hợp tác giữa IOM và Bộ Y tế: “Trong một thế giới năng động với nhu cầu di chuyển ngày càng cao của con người, sự hợp tác và quan hệ đối tác trong khu vực là những yếu tố quan trọng để nâng cao sức khỏe và cuộc sống khỏe mạnh cho người di cư. Những người di cư khỏe mạnh sẽ góp phần tạo dựng nên những cộng đồng khỏe mạnh”.
“Tôi tự hào rằng IOM và các quốc gia thành viên ASEAN đang có bước phát triển tích cực trong việc thúc đẩy các chương trình hành động về sức khỏe của người di cư phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM)”, bà Park Mihyung chia sẻ.
Thỏa thuận GCM là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên tập trung và xuyên suốt về vấn đề sức khỏe, trong đó có một số mục tiêu đề cập đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Thông qua việc thực hiện Thỏa thuận Toàn cầu về di cư, các Mục tiêu Phát triển bền vững và các Nghị quyết của Đại hội đồng Y tế Thế giới, chúng ta có thể triển khai những hoạt động quan trọng để nâng cao sức khỏe của người di cư, thúc đẩy quan hệ đối tác liên ngành và phát triển các chính sách dựa trên cơ sở dữ liệu trong ASEAN, bà Park Mihyung cho biết.
Căn cứ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, cụ thể là ở mục tiêu số 3 về bảo đảm cuộc sống lành mạnh và thúc đẩy hạnh phúc ở mọi lứa tuổi và tại Nghị quyết số 70.15 về “Tăng cường sức khỏe của người di cư và người tị nạn” được Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào tháng 5/2017, tất cả các nước thành viên phải bảo đảm người di cư được tham gia vào hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, bảo đảm không có rào cản nào đối với việc người di cư tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Sức khỏe của người di cư là một trong những ưu tiên về y tế của ASEAN theo Chương trình nghị sự về Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, cụ thể là trong Nhóm công tác Y tế số 3 của ASEAN (AHC3) về Tăng cường Hệ thống y tế và Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chương trình hoạt động của AHC3 có mục đích nâng cao năng lực và khả năng của hệ thống y tế nhằm cải thiện các dịch vụ cho người di cư, trong đó có người lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em./.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/tang-cuong-hop-tac-khu-vuc-nham-thuc-day-cuoc-song-khoe-manh-cho-nguoi-di-cu-102230626152954234.htm
Ý kiến ()