Trong khuôn khổ liên kết toàn khu vực Đông-Nam Á có hai thiết chế quan trọng. Đó là Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) – kênh hợp tác giữa các Chính phủ và Hội đồng liên nghị viện các nước Đông-Nam Á (AIPA) gắn bó giữa các Nghị viện trong khu vực với nhau. Ra đời từ năm 1967 với năm nước sáng lập viên ban đầu là In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Phi-li-pin, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a, ngày nay ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực với đầy đủ 10 quốc gia thành viên ở Đông-Nam Á.
Trong hơn 40 năm hình thành, phát triển, thích ứng trong một thế giới không ngừng đổi thay nhanh chóng, ASEAN đã có những chuyển biến mạnh mẽ và đã có những quyết định quan trọng như Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập; Tuyên bố Hòa hợp Ba-li I nhằm thực hiện chính sách thân thiện, hợp tác với các quốc gia khác; Hiệp định khung hướng tới khu vực thương mại tự do hướng tới việc thành lập khu vực mậu dịch tự do chung, Tuyên bố về Biển Đông nhằm xác lập nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn trong khu vực bằng biện pháp hòa bình. Với việc đưa ra Tuyên bố Ba-li II, ASEAN đã tiến một bước đáng kể trong tăng cường liên kết khu vực, xác định mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN gồm ba trụ cột: Cộng đồng An ninh – Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Sự kiện đặc biệt trong quá trình phát triển của ASEAN là đã ban hành Hiến chương của mình có hiệu lực từ ngày 15-12-2008, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho gia tăng liên kết ASEAN, xây dựng ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực gắn kết hơn và hoạt động hiệu quả hơn, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Điều này chứng tỏ ASEAN đã có bước chuyển giai đoạn quan trọng và phản ánh sự trưởng thành của Hiệp hội; thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và ràng buộc pháp lý hơn, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên.
Mười năm sau khi ASEAN được thành lập, các vị đứng đầu nghị viện của năm nước In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Phi-li-pin, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a đã cùng nhau ký kết bản điều lệ chính thức đầu tiên của AIPO, đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Liên Nghị viện khu vực – AIPO vào ngày 2-9-1977. Suốt hơn 30 năm qua, kể từ ngày ra đời, AIPO đã góp phần đẩy nhanh quá trình thiết lập quan hệ hợp tác liên nghị viện khu vực; xây dựng Đông-Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Với tinh thần “thống nhất trong đa dạng”, AIPO trân trọng tình đoàn kết, sự bình đẳng, phối hợp hành động trên các diễn đàn quốc tế, bảo vệ chủ quyền, độc lập quốc gia và lợi ích chung của cả khu vực, có tính tới lợi ích toàn cục. Các nhà lập pháp nhận thức rằng, sự lớn mạnh của Hiệp hội ASEAN gắn liền với sự liên kết giữa các nghị viện – cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong ASEAN. Vị thế của ASEAN cũng như AIPO vì thế mà không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, nhờ giữ được tính độc lập và bản sắc của mình trong quá trình hội nhập.
Trong quá trình phát triển, AIPO đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy, tăng cường hợp tác liên nghị viện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Tới Đại hội đồng (ĐHĐ) AIPO 27 tại Phi-li-pin năm 2006, sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, chân thành và xây dựng, Nghị viện các quốc gia thành viên đã nhất trí cần phải xây dựng tổ chức liên Nghị viện giữa các nước Đông-Nam Á thành một cơ chế hợp tác hiệu quả, thiết thực và liên kết hơn. Với tinh thần đó, ĐHĐ AIPO 27 đã quyết định đổi tên AIPO thành Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông-Nam Á (AIPA), ban hành Điều lệ mới và thành lập Ban thư ký AIPA hoạt động chuyên trách với Tổng thư ký AIPA có nhiệm kỳ ba năm. Ngày nay, AIPA là tổ chức hợp tác liên nghị viện duy nhất của 10 nước thành viên ASEAN, trong đó, Mi-an-ma là quan sát viên đặc biệt vì chưa có cơ quan lập pháp.
Qua các kỳ Đại hội đồng hằng năm, AIPO và nay là AIPA đã ban hành rất nhiều nghị quyết nhằm tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Những kiến nghị của AIPA trên nhiều lĩnh vực đã và đang tác động tích cực tới việc hoạch định chính sách, xây dựng và giám sát việc thực thi pháp luật của các nước thành viên ASEAN. Nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội phát sinh trong quá trình vận động đi lên của khu vực luôn được AIPA quan tâm, để từ đó có những kiến giải tích cực, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của từng thành viên cũng như lợi ích chung của cả khu vực, bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng.
Việt Nam gia nhập ASEAN và AIPO cùng vào năm 1995. Điều này chính là hiện thực hóa tư duy và tầm nhìn mới của chúng ta trong quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực. Tham gia vào các tổ chức này, chúng ta đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự hợp tác, liên kết khu vực; làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ chúng ta hơn, qua đó, tạo điều kiện và môi trường quốc tế thuận lợi để thực hiện thành công đường lối đổi mới toàn diện đất nước.
Là nước chủ nhà của cả ASEAN và AIPA trong năm 2010 có nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước, chúng ta có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc tiếp tục làm sâu sắc hơn mối liên kết khu vực, góp phần đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống. Một trong những định hướng cơ bản để thực hiện có kết quả nhiệm vụ đã nêu mà trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, Việt Nam đã và đang phấn đấu chính là tăng cường sự hợp tác giữa ASEAN và AIPA. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của hai tổ chức này, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân được sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, tạo động lực cho việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 16 sắp diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4 này, Việt Nam có sáng kiến và được các nước ASEAN nhất trí cao về việc tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN (cuộc họp AIPA -ASEAN) nhằm thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác giữa ASEAN và AIPA. Đây là một bước phát triển mới, đóng góp của nước ta trong việc tăng cường phối hợp giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp của khu vực, nâng mối quan hệ từ hình thức cuộc gặp không chính thức đã hai lần được tiến hành ở Thái-lan vào năm 2009 thành cuộc họp giữa AIPA và ASEAN. Và từ đó, tạo tiền lệ xác lập cơ chế đối thoại, tham vấn thường xuyên chính thức giữa các nhà lãnh đạo của hai tổ chức liên chính phủ và liên nghị viện của khu vực nhằm giải quyết các vấn đề chung của ASEAN. Điều này phản ánh xu thế ngày càng nổi trội là không thể thiếu được vai trò của AIPA trong việc thúc đẩy thực thi các hiệp định, thỏa thuận trong ASEAN và giúp đưa ASEAN đến gần với công chúng hơn. Trong bước đường đi tới, bên cạnh những mặt thuận là cơ bản, các thành viên ASEAN cũng đang gặp nhiều thách thức như suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng, xử lý thiên tai và dịch bệnh, bảo vệ các quyền con người… Các vấn đề này hết sức phức tạp không nước nào tự giải quyết được mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chung. Đặc biệt, giờ đây khi ASEAN đang đứng trước yêu cầu phải thực hiện các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN, thì việc xác lập khuôn khổ hợp tác giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Tăng cường sự phối hợp giữa ASEAN và AIPA chính là góp phần thiết thực nâng cao vị trí, phát huy vai trò của mỗi bên và để bổ sung cho nhau, làm phong phú thêm phương thức hành động của ASEAN thống nhất trong đa dạng. Các nội dung cơ bản của mối quan hệ phối hợp đó là nâng cao nhận thức, tăng cường đoàn kết của người dân trong khu vực về một cộng đồng đùm bọc và chia sẻ; tăng cường sự tương tác giữa các cơ quan chuyên môn của ASEAN với các ủy ban của AIPA, nhất là thực hiện có kết quả các thỏa thuận, hiệp định của ASEAN và nghị quyết của AIPA. Với sự chung tay gánh vác giữa AIPA và ASEAN, Hiệp hội sẽ thêm động lực và sức mạnh vượt qua khó khăn, thách thức để tiến tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đóng góp thiết thực vào hòa bình, hợp tác và phát triển của cả khu vực.
Ý kiến ()