Tăng cường hợp tác cùng phát triển
Chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Cam-pu-chia và dự các Hội nghị cấp cao Tiểu vùng, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia Hun Xen, hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Pô-chen-tông ở Thủ đô Phnôm Pênh trong tiết trời nắng đẹp sáng 15-11.Ghi chép của phóng viên Báo Nhân DânDọc hai bên đường gần tới Cung Hòa Bình, nơi diễn ra lễ đón chính thức, đông đảo các em thiếu niên Cam-pu-chia tay cầm cờ hoa nhiệt liệt vẫy chào Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam. Trên khắp các tuyến phố chính ở Phnôm Pênh, Thủ đô của đất nước có đền Ăng-co Vát rực rỡ, được trang hoàng rất nhiều quốc kỳ Cam-pu-chia và Việt Nam. Đài Tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam uy nghi giữa trung tâm Phnôm Pênh là biểu tượng về tình đoàn kết, sự hy sinh cao cả của Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.Những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển mạnh...
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân
Dọc hai bên đường gần tới Cung Hòa Bình, nơi diễn ra lễ đón chính thức, đông đảo các em thiếu niên Cam-pu-chia tay cầm cờ hoa nhiệt liệt vẫy chào Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam. Trên khắp các tuyến phố chính ở Phnôm Pênh, Thủ đô của đất nước có đền Ăng-co Vát rực rỡ, được trang hoàng rất nhiều quốc kỳ Cam-pu-chia và Việt Nam. Đài Tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam uy nghi giữa trung tâm Phnôm Pênh là biểu tượng về tình đoàn kết, sự hy sinh cao cả của Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển mạnh mẽ. Trong chuyến thăm chính thức này, tại các cuộc hội kiến Quốc vương Xi-ha-mô-ni, hội đàm với Thủ tướng Hun Xen, gặp Chủ tịch Thượng viện Chia Xim và Chủ tịch QH Hêng Xom-rin, các nhà lãnh đạo Cam-pu-chia khẳng định Việt Nam là người bạn tốt nhất, tin cậy nhất của Cam-pu-chia, vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hai bên thời gian qua, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này bước sang trang mới. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Xen, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và tìm những biện pháp hữu hiệu đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Cam-pu-chia có nhiều tiềm năng như thương mại – đầu tư, ngân hàng, năng lượng điện, khai khoáng, dầu khí, trồng cây công nghiệp, giao thông vận tải…; khuyến khích các hoạt động thương mại, dịch vụ và hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương ở khu vực biên giới hai nước. Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ hoàn thành trước cuối năm 2012, coi đây là nhiệm vụ lịch sử, là di sản mà thế hệ lãnh đạo hai nước hôm nay để lại cho thế hệ mai sau một đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, trên cơ sở phù hợp truyền thống và tập quán quốc tế.
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng phát triển rất mạnh trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng, năm 2010, hai bên phấn đấu đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Hun Xen nhiều lần đánh giá cao đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam vào Cam-pu-chia trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn trong việc đầu tư ra nước ngoài do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cam-pu-chia (AVIC), đến hết quý 3-2010, có hơn 60 dự án FDI của Việt Nam vào Cam-pu-chia, với tổng vốn hơn 900 triệu USD, tăng sáu lần so năm 2009, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào Cam-pu-chia. Điển hình là: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đầu tư mạng MetFone – một trong những mạng viễn thông phát triển mạnh nhất, phủ sóng hầu hết các tỉnh thành, vùng sâu, vùng xa ở Cam-pu-chia; Hãng hàng không quốc gia Cambodia Angkor Air, liên doanh giữa Vietnam Airlines và Chính phủ Cam-pu-chia, hoạt động bước đầu có hiệu quả; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Cam-pu-chia (BIDC) là ngân hàng 100% vốn đầu tư (100 triệu USD) của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chỉ sau một năm hoạt động, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai ở Cam-pu-chia, là cầu nối thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước. Đó còn là những dự án năng lượng, thủy điện lớn có vốn đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD do EVN quốc tế và IDICO chủ trì; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 240 triệu USD trồng cây cao-su…
Dạo quanh Phnôm Pênh, chúng tôi thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ mạnh như cà-phê, sữa, mì ăn liền, mỹ phẩm, đồ nhựa… Những người bạn Cam-pu-chia hay doanh nghiệp Việt Nam mà chúng tôi gặp đều chung nhận xét: Hàng hóa Việt Nam ngày càng được thị trường Cam-pu-chia ưa chuộng do đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, mẫu mã đẹp, hấp dẫn, giá phải chăng, chất lượng tốt. Trong buổi gặp với AVIC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Thủ tướng Hun Xen rất ấn tượng về kết quả kinh doanh của Hãng hàng không Cambodia Angkor Air, nên đã đề nghị phía Việt Nam tăng thêm số máy bay của liên doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Tiềm năng hợp tác với Cam-pu-chia còn rất lớn, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thủy điện lớn để đáp ứng nhu cầu của phía bạn và cho cả Việt Nam. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tại cuộc gặp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở Cam-pu-chia.
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Cam-pu-chia còn đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực nói chung và Tiểu vùng nói riêng. Trong chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự các sự kiện, như Hội nghị cấp cao Cam-pu-chia – Lào – Việt Nam lần thứ 6 (CLV 6); Hội nghị cấp cao hợp tác bốn nước Cam-pu-chia – Lào – Mi-an-ma – Việt Nam lần thứ 5 (CLMV 5) và Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ay-ê-a-oa-đi – Chao Phray-a – Mê Công lần thứ 4 (ACMECS 4) đều được tổ chức tại Cung Hòa Bình – công trình đồ sộ và hoành tráng ở Phnôm Pênh. Trong các sự kiện trên, vai trò tích cực của Việt Nam, của Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra các giải pháp để hoạt động của các diễn đàn đi vào thiết thực, hiệu quả, hạn chế sự trùng lặp các dự án trong các khuôn khổ hợp tác khác, được các nước thành viên đánh giá cao. Trọng tâm của CLV 6 là vấn đề Tam giác Phát triển gồm 13 tỉnh của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, được lãnh đạo cấp cao ba nước quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ ổn định, an ninh ba nước.
Việc hợp tác CLMV được thành lập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của ASEAN và khu vực. Tại CLMV 5, các Thủ tướng đã thông qua Danh sách 16 dự án đặc biệt ưu tiên của bốn nước để tìm kiếm nguồn vốn tài trợ. Tại ACMECS 4, các nhà lãnh đạo Chính phủ đã kiểm điểm lại các kết quả hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn, cũng như bàn các biện pháp thúc đẩy cơ chế này phát huy hiệu quả. Kết thúc các hội nghị trên, các Thủ tướng đã nhất trí thông qua một số văn kiện quan trọng, khẳng định quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác trong các diễn đàn trên vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước thành viên khác của ASEAN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()