Tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội
Sáng 17/6, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Hội nghị phổ biến Hướng dẫn 05-HD/BĐNTW ban hành ngày 26/3/2019 về hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại .
Sáng 17/6, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Hội nghị phổ biến Hướng dẫn 05-HD/BĐNTW ban hành ngày 26/3/2019 về hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại (Quy chế 272) và quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Huy Tăng đồng chủ trì hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa ba cơ quan: Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại thời gian qua. Nhờ đó, các hoạt động đối ngoại ngày càng đạt được nhiều thành tựu. Ba cơ quan đã có sự hỗ trợ nhau trong việc thực hiện Quy chế 272, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định, hội nghị là dịp các cơ quan của Quốc hội quán triệt, nắm bắt sâu hơn các hoạt động đối ngoại, đặc biệt thông qua Hướng dẫn 05. Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị các đại biểu cần quán triệt sâu sắc những nội dung trọng tâm của Hướng dẫn 05 để đóng góp những giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng như sự phối hợp giữa ba cơ quan.
Đánh giá sự phối hợp giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Bộ Ngoại giao thời gian qua khá hiệu quả, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Huy Tăng khẳng định, Hội nghị là dịp các cơ quan của Quốc hội nắm được sâu hơn các hoạt động đối ngoại, từ đó giúp tham mưu với Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội về các hoạt động đối ngoại liên quan tới Quốc hội, đồng thời tạo sự nhận thức thống nhất giữa các cơ quan trong hệ thống Quốc hội về hoạt động đối ngoại.
Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Huy Tăng cho biết, sau một thời gian dài, không có một văn bản chính thống nào quy định một cách đầy đủ về hoạt động đối ngoại việc quản lý, xây dựng kế hoạch đối ngoại… Tất cả hoạt động đối ngoại được thực hiện trên cơ sở nhận thức quán triệt, vận dụng các văn bản của Đảng. Đến năm 2004, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 101. Đây là bước khởi đầu rất quan trọng, tạo cơ sở triển khai các hoạt động đối ngoại đi vào nền nếp.
Sau hơn 5 năm triển khai, Quy chế 101 bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn, Bộ Chính trị đã giao Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp một số cơ quan rà soát, chỉnh sửa và bổ sung Quy chế 101. Đến năm 2010, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế 295 sửa đổi một số nội dung của Quy chế 101. Đến năm 2015, Bộ Chính trị cho rà soát và ban hành Quy chế 272.
Theo ông Nguyễn Huy Tăng, Quy chế 272 đã kế thừa những ưu điểm của các quy chế trước đó, thể hiện sự phân cấp, phân quyền cụ thể, là quy chế thống nhất hoạt động đối ngoại trong cả nước. Sau ba năm triển khai Quy chế 272, các hoạt động đối ngoại của hệ thống chính trị ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy chế 272 đã phát sinh một số bất cập. Từ đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 33 ngày 25/7/2018 về việc tiếp tục thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272.
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Bùi Lê Thái, đã nêu một số lưu ý đối với Hướng dẫn 05 về hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại và Kết luận số 33-KL/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272; trong đó có một số điểm trọng tâm đối với các hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan thuộc Quốc hội./.
Ý kiến ()