Tăng cường hiệu lực của thanh, kiểm tra
LSO-Tăng cường công tác thanh, kiểm tra là một trong những giải pháp hữu hiệu để Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg, ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới” và là nội dung quan trọng trong tháng hành động vệ sinh ATTP năm 2015.
Đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP Trung ương kiểm tra điều kiện ATTP trong sản xuất của Công ty TNHH Phiên Hương |
KIỂM TRA THEO CHUYÊN ĐỀ
Nếu trong 2 tháng của tết Nguyên đán Ất Mùi và lễ hội xuân 2015, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra được 969 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; thì trong tháng vệ sinh ATTP (15/4-15/5-2015) đã thực hiện kiểm tra được 1.291 cơ sở. Bám sát chủ đề của tháng hành động là “Sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn”, các đoàn, đội kiểm tra đã đi sâu vào công tác thanh, kiểm tra chuyên đề về rau thịt tại nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đã quan tâm đến công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của rau, thịt, việc đảm bảo vệ sinh trong giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm.
Qua kiểm tra đã phát hiện 125 cơ sở vi phạm, xử lý 115 cơ sở với tổng số tiền phạt là 38,5 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi về công tác thanh kiểm tra trong tháng vệ sinh ATTP vừa qua, ông Phạm Công Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP cho biết, những vi phạm chủ yếu là các cơ sở thiếu giấy chứng nhận sức khỏe, thiếu chứng nhận tập huấn vệ sinh ATTP của đội ngũ trực tiếp chế biến, kinh doanh. Thậm chí ngay chủ một siêu thị lớn như Siêu thị Lasvilla cũng chưa có chứng nhận sức khỏe và chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP. Một số vi phạm thường mang tính phổ biến là điều kiện vệ sinh môi trường giết mổ, kinh doanh còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ vi sinh vật nhiễm vào thịt và sản phẩm thịt. Do cơ sở sản xuất rau an toàn ở tỉnh ta còn rất ít, nên rau từ các tỉnh miền xuôi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam… hoặc rau nhập từ bên kia biên giới vào các chợ trong tỉnh còn nhiều mà chúng ta chưa thể kiểm tra được hết.
TÁC DỤNG TRONG THANH KIỂM TRA
Sau khi đoàn công tác của Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP Trung ương phối hợp với đoàn kiểm tra của tỉnh về kiểm tra tại cơ sở của mình, chị Trần Thị Bích Trọng, chủ Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Phiên Hương (khối 6, Nà Trang, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cho biết: “Chúng tôi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP và coi đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tồn tại của công ty. Tuy nhiên trong quá trình sắp xếp máy móc, do thiếu chuyên môn nên cũng có chỗ bất hợp lý. Việc đoàn kiểm tra đến đã giúp chúng tôi nhận ra những thiếu sót của mình và có giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo sản xuất bền vững.” Quả thật, với công suất 100 kg xúc xích mỗi ngày, việc sắp đặt máy móc, bố trí mặt bằng sản xuất của Công ty còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh để đảm bảo tốt hơn vệ sinh ATTP cho mặt hàng đặc biệt này.
Sau khi kiểm tra 2 cơ sở là Siêu thị Lasvilla và Công ty Phiên Hương trên địa bàn thành phố, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thảo, trưởng phòng ATTP và Công nghệ sinh học – Vụ KH&CN (Bộ Công thương), trưởng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP Trung ương tại Lạng Sơn cho biết: vẫn còn những lỗi cần khắc phục ngay như Siêu thị Lasvilla thiếu hệ thống kiểm soát nhiệt độ tại tủ bảo ôn, sắp xếp thịt tươi sống lẫn với thịt chế biến bao gói tại quầy đông lanh… Mặt bằng sản xuất của Công ty Phiên Hương chưa đảm bảo như nền nhà, hệ thống điện, sắp xếp máy móc tại nơi chế biến chưa theo nguyên tắc “một chiều”… Đây có thể gọi là những lỗi cơ bản tiềm ẩn sự mất an toàn về vệ sinh thực phẩm.
CẦN TĂNG CƯỜNG HẬU KIỂM
Công tác kiểm tra một mặt phát hiện lỗi của cơ sở, nặng thì đình chỉ toàn bộ hoặc từng phần như trường hợp đình chỉ hoạt động của quầy đông lạnh tại Siêu thị Lasvilla, nhẹ thì yêu cầu khắc phục như Công ty Phiên Hương. Biên bản đã được lập, có chữ ký của trưởng đoàn thanh kiểm tra và chữ ký của chủ cơ sở và như vậy quyết định đã có hiệu lực. Tuy vậy, dư luận đặt câu hỏi, sau khi đoàn kiểm tra rút đi liệu cơ sở có chấp hành quyết định đó hay không. Quyết định của đoàn thanh kiểm tra khi được thông báo đến chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cũng có một khoảng thời gian. Trong thời gian ấy, liệu quầy đông lạnh của Siêu thị Lasvilla đã ngừng hoạt động hay vẫn tiếp tục? Có bao nhiêu ki lô gam thịt đông lạnh, sản phẩm thịt bao gói có nguy cơ mất an toàn đến tay người tiêu dùng? Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Anh cho biết, thông thường vẫn có sự hậu kiểm với tỷ lệ 100%; trường hợp cụ thể này, trách nhiệm giám sát việc khắc phục tại Siêu thị Lasvilla thuộc Sở Công thương. Khi và chỉ khi lỗi thiếu hệ thống kiểm soát nhiệt độ tại quầy đông lạnh đã được khắc phục và Sở Công thương kiểm tra cho phép thì quầy mới được hoạt động trở lại.
MINH HỒNG
Ý kiến ()