Tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức cho học sinh
Học sinh Trường THCS Tam Thanh tham quan Bảo tàng tổng hợp tỉnh |
TĂNG THỜI LƯỢNG GIÁO DỤC, BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG
Tăng cường trang bị cho tủ sách pháp luật, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, chỉ đạo đội ngũ, nhất là các giáo viên dạy các môn khoa học xã hội chú ý lồng ghép bồi dưỡng ý thức pháp luật, đạo đức trong bài giảng chính khóa… là cách làm có hiệu quả. Tại thành phố Lạng Sơn, tất cả 36/36 đơn vị trường đều có đầy đủ sách pháp luật trong tủ sách lưu động và tủ sách thân thiện ở các lớp. Có 29/36 đơn vị trường có phương tiện nghe nhìn và kết nối mạng phục vụ cho công tác dạy và học môn Giáo dục công dân, môn Đạo đức và các buổi tuyên truyền pháp luật. Trong học kỳ I vừa qua, ngành GD&ĐT thành phố đã tổ chức 18 cuộc tuyên truyền với 641 lượt cán bộ giáo viên và trên 13.400 lượt học sinh tham gia; tổ chức 324 cuộc tuyên truyền pháp luật trong học sinh với 388 ngàn lượt học sinh tham gia. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, lại phải dành nhiều thời lượng cho các môn văn hóa, nhiều nhà trường đã tận dụng tốt thời lượng học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học và THCS để tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, đạo đức, bồi dưỡng ý thức công dân, kỹ năng sống cho học sinh.
Đối với các huyện, do chưa tổ chức được loại hình 2 buổi/ngày đối với cấp THCS, học sinh được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống bằng nhiều hình thức như phối hợp với phòng tư pháp, công an huyện để nói chuyện. Tổ chức các hình thức phổ biến pháp luật trong các giờ ngoại khóa, hội trại để giáo dục học sinh.
DUY TRÌ HÌNH THỨC “KỶ LUẬT TỰ GIÁC”
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Đặng Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: là một trường đi tiên phong trong thực hiện hình thức “Kỷ luật tự giác”, trong 3 năm qua, nhà trường đã liên tục duy trì và nâng cao chất lượng hình thức này. Kết quả thu được khá tốt: số học sinh vi phạm kỷ luật giảm hẳn, nhất là tình trạng tụ tập đánh nhau, chấp hành trật tự an toàn giao thông (ATGT) loại trừ tệ nạn trường học. Phương pháp “Kỷ luật tự giác” đã được áp dụng tại tất cả các trường phổ thông trong toàn tỉnh với nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Nếu Trường THCS xã Đề Thám (Tràng Định) chú trọng nhiều đến việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình, thì Trường THCS Vũ Lễ (Bắc Sơn) tăng cường tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật cho học sinh. Cô giáo Đặng Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THCS xã Mai Sao (Chi Lăng) lấy ví dụ những học sinh còn có khiếm khuyết về đạo đức và các giải pháp của giáo viên để chứng minh rằng, không có học sinh hư hỏng, mà chỉ có học sinh chưa đạt chuẩn. Đội ngũ giáo viên cần phải kiên trì và nỗ lực để bù đắp lại sự thiếu hoàn thiện đó của các em, và nhà trường đã thành công. Công tác tư vấn học đường được đặc biệt coi trọng đã cùng với phong trào “Giáo viên giúp đỡ học sinh chưa đạt chuẩn” mang lại kết quả rất tốt. Thống kê của ngành cho biết, trong học kỳ I vừa qua, toàn ngành đã có 2.906 học sinh THCS và 1.596 học sinh THPT được giúp đỡ về rèn luyện. Tại các nhà trường, bằng các hình thức như ký cam kết không vi phạm ATGT, không tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phong trào nói không với ma túy được duy trì. Qua hộp thư “Điều em muốn nói”, các nhà trường vừa nắm được tâm tư tình cảm, những bức xúc của học sinh để giải quyết kịp thời, vừa nắm và ngăn chặn được những biểu hiện xấu có thể xảy ra.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT nói rằng: để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và học sinh vi phạm pháp luật, ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp, nhiều hình thức giáo dục hợp lý, nhất là áp dụng hình thức giáo dục kỷ luật tích cực. Bên cạnh đó, ngành coi trọng phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể xã hội và phụ huynh học sinh trong việc giám sát, phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện vi phạm nên công tác giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh tốt hơn. Trong học kỳ I vừa qua, toàn ngành chưa ghi nhận trường hợp bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của nhà trường đến mức bị xử lý. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm luật lệ ATGT như vượt đèn đỏ, đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng… còn nhiều. Dư luận cũng nhiều lần lên tiếng về hiện tượng học sinh uống rượu, tụ tập đánh nhau. Đây là vấn đề vẫn còn nhiều nhức nhối đòi hỏi ngành phải có nhiều giải pháp hơn nữa trong giáo dục pháp luật, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh.
Ý kiến ()