Chủ nhật, 24/11/2024 20:32 [(GMT +7)]
Tăng cường giáo dục dân tộc- kỳ vọng và khát khao
Thứ 5, 16/09/2010 | 17:03:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong các cuộc tiếp xúc giữa đoàn ĐBQH và HĐND các cấp với cử tri các xã vùng cao, vùng ĐBKK, kiến nghị về công tác GD&ĐT, cũng như góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhiều ý kiến tập trung vào công tác giáo dục dân tộc ( GDDT). Đây cũng là kỳ vọng của bà con vào những quyết sách mà Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh sẽ đề cập đến.
Tăng cường các điều kiện cho giáo dục vùng cao
Trong những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quan tâm tới công tác GDDT. Ngành GD đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy và học; các giải pháp được thực hiện như chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; tăng thời lượng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; thu hút các dự án, nguồn lực cho GD vùng cao như dự án tiểu học dành cho trẻ khó khăn, xây dựng nhà bán trú dân nuôi; mở rộng, thành lập mới các trường phổ thông dân tộc nội trú ( DTNT); tăng số trường lớp dạy 2 buổi/ ngày; thực hiện các chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở địa bàn ĐBKK…Các giải pháp đó đã có tác dụng chống lưu ban bỏ học, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ở các xã vùng cao, vùng ĐBKK.
Học sinh trường THCS Nội trú Tràng Định trong giờ thí nghiệm
Tuy vậy, các nguồn lực cho GD vùng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Do địa bàn xã rộng, địa hình bị chia cắt, tuy các phân trường đã “ cắm bản” song do số lượng học sinh ít, nên nhiều phân trường mới chỉ có đến lớp 2, lớp 3…Các cháu muốn học lên để hoàn thành chương trình tiểu học phải đi xa từ 4-5 cây số. Tuy gia đình và bản thân các cháu rất nỗ lực, song tỷ lệ học sinh yếu, kém vẫn còn nhiều. Với quy mô mỗi xã có 1 trường THCS, học sinh bậc học này thường xuyên phải đi xa hàng chục km tới trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian lĩnh hội kiến thức. Trong nhiều năm qua, với tinh thần hiếu học của nhân dân vùng cao, mô hình bán trú dân nuôi phát triển mạnh. Năm học 2009-2010 trên địa bàn tỉnh có 70 trường thực hiện mô hình bán trú dân nuôi thu hút gần 5700 học sinh ở cấp tiểu học và THCS. Trong 2 năm trở lại đây, bằng các nguồn vốn khác nhau, việc xây dựng khu bán trú dân nuôi đã được tăng cường, song số học sinh có nơi ở, sinh hoạt và học tập đảm bảo an toàn vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Đi đến các trường học vùng cao ở Bình Gia, Tràng Định, Chi Lăng…hình ảnh thường thấy là song song với những ngôi trường đẹp đẽ khang trang là những lều lán lụp xụp bên vệ đường, nơi sườn dốc, hoặc bên bờ suối…Khó có thể hình dung được trong những lều lán ấy, các cháu có thể an toàn và yên tâm theo học. Vì vậy, không ngạc nhiên khi toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập THCS từ 4 năm nay, song năm nào ngành cũng phải mở các lớp bổ túc để tiếp tục làm công tác phổ cập THCS.
Mở rộng quy mô các trường dân tộc nội trú
Là một tỉnh có số học sinh là người dân tộc thiểu số đứng thứ 3 trong 49 tỉnh thành phố trong cả nước; song năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh cấp THCS ở tỉnh ta được học trong các trường THCS dân tộc nội trú ( DTNT) mới chiếm 3,7% tổng số học sinh THCS là người dân tộc thiểu số và mới có 1,49% học sinh bậc THPT được học trong trường THPT dân tộc nội trú. Trong khi đó, các tỷ lệ này ở các tỉnh: Cao Bằng là 6,65% và 1,96%, Lào Cai là 6,48% và 6,52%.
Với sự đầu tư đồng bộ, trường THPT và nhiều trường THCS dân tộc nội trú đã đạt chuẩn QG, song chất lượng dạy và học vẫn chưa “ hơn hẳn” các trường đại trà. Điều này dẫn đến tình trạng là vẫn còn một tỷ lệ đáng kể học sinh tốt nghiệp THCS và THPT mà không thi đỗ vào các trường THPT và các trường đại học, cao đẳng.
Đối với một tỉnh có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số như tỉnh ta, tăng cường công tác GDDT vừa mang tính cấp bách trong việc nâng cao dân trí, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH. Vì vậy, tập trung các nguồn lực xây dựng ký túc xá bán trú dân nuôi cần được thực hiện song song với thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh người dân tộc thiểu số. Được ăn ở, sinh hoạt trong môi trường thuận lợi và an toàn, các em sẽ yên tâm học tập; số trường lớp dạy 2 buổi/ ngày sẽ được nâng lên và qua đó chất lượng học sinh sẽ được cải thiện.
Mở rộng về quy mô và thành lập thêm các trường DTNT để có thể thu hút 6,5% học sinh cấp THCS và THPT vào loại hình trường DTNT vào năm 2015 như Đề án của Bộ GD&ĐT đã đề ra.
Cần mạnh dạn sử dụng đội ngũ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT về địa phương như một “ đòn bẩy” về nhân lực có trình độ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo. Qua đó, thu hút các em vào các tổ chức đoàn thể, phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng, tạo nguồn cán bộ trực tiếp cho cơ sở.
Đẩy mạnh giáo dục dân tộc không những là kỳ vọng mà còn là sự khát khao của đồng bào về nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh- nhiệm kỳ 2010-2015.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()